Dạy trẻ nên người I
3
DẠY CON TRUYỀN THÔNG CHÂN THẬT
Bé nhà tôi 10 tuổi, bé rất ngoan và dễ thương. Chỉ có
điều bé thật thà quá, thật đến mức làm mếch lòng người
khác. Ví dụ chú của bé mua tặng bé một món đồ chơi, khi
chú hỏi “Con có thích không?” thì bé không ngần ngại đáp:
“Con không thích, đồ chơi đó dởm lắm chú ạ”. Nhiều lần
vợ chồng tôi đã nhắc bé nếu con không thích thì cũng đừng
nói ra kẻo người khác buồn, nhưng cháu lại bảo chúng tôi:
“Như vậy là nói dối, bố mẹ vẫn dạy con không được nói dối
cơ mà”. Chúng tôi phải làm sao đây? Làm thế nào để dạy
cháu đâu là nói dối, đâu là nói khéo để không làm mếch lòng
người khác?
Trương Tùng Lâm, Hà Nội
Xem ra, lời dạy về lối sống “chân thật” từ anh chị đã có
tác dụng “chân phương” đối với cách hành xử của bé. Đó là
điều đáng mừng, thay vì là nỗi lo. Ở lứa tuổi thiếu nhi, quan
trọng nhất vẫn là lòng chân thật, từ lời nói cho đến việc làm.
Đức tính này sẽ giúp cho bé trở thành bậc “chân nhân” về sau.
Điều mà anh chị lo ngại đối với cháu là làm thế nào để
có sự tương nhượng của “lòng chân thật” đối với “sự ngoại
giao” khéo léo để không làm mếch lòng người khác. Điều đó
có thể thực hiện dễ dàng đối với một người đã trưởng thành,
có sự cân nhắc giữa đắc và thất nhân tâm trong các quan hệ
gia đình và xã hội. Nhưng đối với một bé vị thành niên đây
quả là điều khó làm, nếu không nói là không thể làm được.
Anh chị không phải quá lo lắng về việc bé chưa được khéo
léo trong ngoại giao, nhất là trong chối từ hoặc tiếp nhận.