66
I
CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Câu chuyện đau lòng muôn thuở của nhiều gia đình
thường liên quan đến sự có mặt của người thứ ba trong bóng
tối. Trong hoàn cảnh gia đình chị, người thứ ba đã chiếm
được trái tim yêu thương của chồng chị, đẩy chị vào tình thế
bế tắc hoàn toàn. Suy sụp tinh thần và trầm cảm là hậu quả
tất yếu và khó tránh khỏi.
Khi bóng tối của người thứ ba được chồng công khai hóa,
còn ánh sáng của vợ hợp pháp lại bị lu mờ thì nên hiểu rằng
sự phụ bạc này có thể dẫn đến kết cục đau lòng: “Tình nghĩa
đôi ta chỉ thế thôi”. Cắn răng chịu đựng trong tủi nhục vì lý
do “để có mái nhà che đầu và có tiền nuôi em bé” không phải
là thái độ ứng xử tích cực và sẽ khó mang lại kết quả chuyển
hóa cái tôi “như thế đấy” của chồng. Khi chồng chị đã nhẫn
tâm tuyên bố “tôi không yêu cô, chưa bao giờ yêu cô, giờ cô
hãy bế con đi đi cho khuất mắt, tôi sớm muộn gì cũng đến
với người đàn bà mà tôi yêu” thì những nỗ lực chịu đựng của
chị khó mang lại kết quả “gương vỡ lại lành”. Chịu đựng là
một đức tính tốt, nhưng việc chị chịu đựng cái cảnh chồng
“ăn phở” thường xuyên trong giai đoạn anh chị yêu nhau và
“lật bài ngửa” trong thời gian chị vừa sinh đứa con trai kháu
khỉnh thường được xem là hoa trái tình yêu, sẽ không giải
quyết được vấn đề gì, ngoài việc tiếp tục biến mình thành
nạn nhân của chồng. Khi tâm chìm vào trong nỗi đau bị bội
bạc, người ta dễ ứng xử mù quáng. Ý định “rời bỏ cuộc sống
này” là điều tiêu cực nhất mà chị nên tránh bằng mọi giá.
Hãy biến sự chịu đựng thành cơ hội làm mới cuộc đời của
chồng. Chị nên bình tĩnh tâm sự với cha mẹ chồng và chị, em
gái của chồng để nhờ trợ giúp tích cực. Nếu cha mẹ chồng và
gia đình chồng hiểu được hoàn cảnh của chị, cùng chung tay
khuyên can, giúp chồng thay đổi lối sống, thì chị có thể nuôi
hy vọng tái xây dựng hạnh phúc gia đình sau trận bão tình.