LỜI GIỚI THIỆU
Trong tình trạng xã hội hiện nay, khi mà ai cũng than
phiền là suy thoái về đạo đức, một quyển sách viết về giáo
dục gia đình là rất quý. Ngày trước, giáo dục chú tâm vào
việc rèn luyện con người. Ngày nay, nhà trường lại chú tâm
vào nhiệm vụ truyền đạt kiến thức. Do đó, gia đình là cơ sở
tinh thần phải giữ vững để bảo vệ đạo đức cho con trẻ, chống
lại những ảnh hưởng xấu tràn lan từ bên ngoài. Mà muốn
giáo dục con em, trước hết cha mẹ phải tự giáo dục mình.
Tìm đâu giáo dục ấy nếu không phải là nơi những người
hướng dẫn tinh thần mà mình tin cậy? Và nếu mình có đi
chùa, tin Phật, lời nói nào đáng tin cậy hơn lời nói của một vị
sư? Quyển sách này ghi lại những lời khuyên bảo của một vị sư
dành cho người lớn, cho vợ chồng, cho cha mẹ. Đây là những
câu hỏi và những câu trả lời. Những tơ lòng và những gỡ rối.
Trong Phật giáo, giáo dục gồm ba phương thức: thân giáo,
khẩu giáo, ý giáo. Thân giáo là đem chính bản thân mình,
nhân cách của mình, phong thái của mình để làm gương cho
người khác, cho mọi người. Đó là cách dạy không lời, hồn
nhiên, không có cả chú tâm vào việc làm gương. Mình sống
như thế nào thì cứ tự nhiên sống như thế ấy, và nếu mình
sống thiện, sống đẹp, sống đạo, thì ảnh hưởng tốt tự nhiên
lan tỏa xung quanh. Đây là lối “dạy” cao quý nhất mà các
danh sư truyền đạt cho đệ tử, cho cả quần chúng. Kinh Pháp
Cú dạy: