chung quanh. Nếu không có những trải nghiệm đen tối trong quá khứ, chị sẽ
không bao giờ đến được ngày hôm nay, cũng như không thể trở thành biểu
tượng và tấm gương cho hàng triệu phụ nữ noi theo.
Tương tự, Steve Jobs (nhà sáng lập đã quá cố của Apple) là giọt máu của
cô sinh viên lỡ làng – người đã quyết định mang con mình cho người khác
nuôi. Mẹ đẻ của cậu nhất mực yêu cầu rằng người có bằng đại học mới
được nhận nuôi đứa bé vì cô tin rằng chỉ có họ mới có khả năng chu cấp
đầy đủ. Thế là một luật sư và vợ ông ấy được chọn. Thế nhưng vào phút
chót, vợ chồng họ lại đổi ý muốn nhận nuôi một bé gái, chứ không phải bé
trai. Thế là khi Steve ra đời, mẹ đẻ giao cậu cho một cặp vợ chồng nghèo có
trình độ học vấn thấp, với điều kiện là họ phải cho cậu vào đại học. Bố mẹ
nuôi xoay sở lo được cho cậu lên đến đại học, thế nhưng chỉ sau sáu tháng,
Steve quyết định bỏ học vì cho rằng chi phí đại học quá lớn mà không mang
lại được những gì cậu đang tìm kiếm.
Một lần nữa, có phải là Steve Jobs không may mắn chút nào khi được
sinh ra trong hoàn cảnh đó?
Tỷ phú Steve Jobs, người sáng tạo ra máy Mac và iPhone, lúc sinh thời
đã từng nói rằng sinh trưởng trong một gia đình nghèo và bỏ học giữa
chừng chính là chìa khóa mở cánh cửa thành công cho ông. Nếu như ông
cũng tốt nghiệp đại học như bao người khác, có lẽ ông cũng trở thành một
nhân viên làm công ăn lương, rồi an phận leo từng nấc thang lên chức vụ
quản lý.
Tuy nhiên, nhờ hoàn cảnh khó khăn này mà ông phải tự tìm sức mạnh và
nguồn lực trong chính bản thân mình. Việc này đã thúc đẩy ông giải phóng
sức sáng tạo, dẫn đến một bước đi táo bạo không kém việc bỏ học: thành
lập công ty riêng từ nhà để xe của bố mẹ.
Câu chuyện của Oprah & Steve nghe có vẻ mâu thuẫn với quan điểm của
hầu hết chúng ta về vận may, bởi vì đa số chúng ta cho rằng bất kỳ ai được
sinh ra trong một gia đình giàu có cũng sẽ được giúp đỡ, yêu thương hết
mình, giáo dục tiên tiến và chu cấp tiền bạc đầy đủ để thành công trong
cuộc sống, do đó họ được xem là “đẻ bọc điều.”