Niềm tin #2: Bi kịch dù đau đớn đến mấy cũng phải có
hồi kết
Niềm tin thứ hai đã giúp tôi đứng vững qua bao sóng gió chính là đây: dù
chuyện có tồi tệ đến thế nào, khó khăn rồi cũng có hồi kết thúc. Không có
trở ngại nào tồn tại mãi mãi. Thời kỳ suy thoái nào cũng sẽ chấm dứt, tiếp
đến là những chuyển biến tích cực và thịnh vượng của nền kinh tế.
Nỗi đau sau một mối quan hệ bất thành sẽ dần trôi qua, mở ra cơ hội cho
những mối quan hệ mới tốt đẹp hơn. Chỉ cần chúng ta có đủ sức mạnh tinh
thần để đặt dấu chấm hết cho vết thương cũ và dọn mình đón nhận một khởi
đầu mới. Tự tử quả thật là một bi kịch. Đối với tôi, tự tử giống như đưa ra
giải pháp vĩnh cữu cho một khó khăn tạm thời.
Cũng chính niềm tin này đã mang đến cho tôi cơ hội kiếm bộn tiền trong
cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ. Vào tháng một năm 2009, thị trường
chứng khoán rơi tự do khiến nhiều người cho rằng nó sẽ không bao giờ hồi
phục. Giá cổ phiếu cứ giảm dần từng ngày mà không có dấu hiệu chững lại.
Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm 55% trong khi những thị trường
chứng khoán châu Á như Singapore hay Hong Kong giảm hơn 60%.
Nhiều người chấp nhận bán đổ bán tháo và chịu lỗ khủng hoặc không
dám mua vào khi giá quá thấp. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng cơn khủng
hoảng này sẽ kết thúc, kéo theo nó là sự hồi sinh mạnh mẽ. Thế là cũng
trong tháng ấy, tôi viết quyển ”Profit From The Panic” (Lợi Nhuận Từ
Khủng Hoảng) trong vòng 30 ngày và đầu tư 80% số tiền dành dụm vào thị
trường chứng khoán. Không nghi ngờ gì nữa, chỉ hai tháng sau, tháng ba
năm 2009, cơn khủng hoảng kết thúc và thị trường chứng khoán phục hồi
mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đạt kỷ lục trong vòng 50 năm qua. Cổ phiếu tôi
từng mua với giá 2 đô la giờ đây có giá 12 đô la, mang đến cho tôi một gia
tài kha khá.