Không cần phải là người tiên phong, mà phải là người
giỏi nhất!
Rất nhiều người cho rằng bạn phải là người đầu tiên làm được điều gì đó
thì mới thành công. Đây là cách suy nghĩ vô cùng hạn hẹp. Thật ra, bạn
không nên đi đầu trong bất cứ ngành nghề nào. Thay vào đó, bạn nên để
người khác phạm tất cả sai lầm và hưởng lợi từ việc học hỏi kinh nghiệm
của họ.
Người Nhật không hề phát minh ra công nghệ sản xuất xe hơi hàng loạt,
mà là người Mỹ. Thế nhưng, nước Nhật lại dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực
sản xuất và buôn bán xe hơi. Họ đơn thuần học những cái đúng, tránh
những cái sai của người Mỹ và hạ bệ nước Mỹ ngay trong chính cuộc chơi
của họ. Chưa hết, người Nhật không sáng chế ra đồng hồ. Sản phẩm đầu
tiên, đồng hồ quả lắc, thuộc về Thụy Sĩ. Vậy mà giờ đây, người Nhật thống
lĩnh thị trường sản xuất đồng hồ trên thế giới.
Mới gần đây, người Trung Quốc cũng nắm được nghệ thuật học hỏi và
mô phỏng thành công. Họ tạo ra những phiên bản Trung Quốc của công cụ
tìm kiếm Google (Baidu), giày thể thao Nike (Lin Ning), hệ thống bán lẻ
Wal- Mart (Wu Mart), mạng xã hội Facebook (Tencent) và bán hàng trên
mạng Ebay (Alibaba) và chẳng mấy chốc sẽ vươn lên vị trí quán quân kinh
tế nếu các quốc gia khác không tiếp tục đổi mới và đi trước Trung Quốc
một bước.
Google không nghĩ ra bộ máy tìm kiếm thông tin trên mạng đầu tiên.
Trên thực tế, họ rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm của những
công ty mở đường như Alta Vista, Lycos, Netscape và Yahoo! Kết quả? Cái
tên “Google” hiện đã trở thành một từ phổ biến ám chỉ cho việc tìm kiếm
thông tin trên mạng. Tương tự, Apple không phải là doanh nghiệp đầu tiên
tạo ra thế hệ điện thoại thông minh và máy tính bảng. Họ học hỏi kinh
nghiệm của Nokia và IBM để tạo ra Iphone và Ipad, hai thương hiệu điện
thoại thông minh và máy tính bảng nổi tiếng nhất toàn cầu.