tăng 37 cơ động từ Crê-mê-nét cũng không đến được. Địch lợi dụng ngay
những điều đó. Xe tăng của chúng vòng qua lực lượng chủ yếu của sư đoàn
Ô-guốc-txốp, lao về hướng Bê-rê-xtét-cô, nơi không có quân ta. Vùng này
trở thành nơi nguy kịch hơn cả đối với chúng ta.
Trong dải của tập đoàn quân 6, những trận đánh ác liệt chỉ diễn ra bên
sườn cánh phải, tuy có vất vả nhưng bộ đội ta cũng đã kìm chân được quân
địch.
Tập đoàn quân 26 báo cáo là đến trưa, sư đoàn bộ binh 99 đã phản kích
quyết liệt và đánh bật địch ra khỏi Pê-rê-mư-slơ. Quốc kỳ Liên Xô lại phấp
phới bay trên thành phố. Về sau, chúng tôi được biết rõ các chi tiết của trận
đánh này. Tôi còn nhớ, Đ. Nô-vô-pli-an-xki, khi đó là phóng viên đặc biệt
của báo “Pra-vđa”, đã mô tả nhiều pha rực lửa. Dưới đây là đoạn trích trong
bài phóng sự của đồng chí:
“Bọn xâm lược trụ lại mạnh nhất ở quảng trường Ngũ giác. Súng máy từ
các ô cửa sổ ngôi nhà bốn tầng xối xả bắn ra giống như từ các lỗ châu mai
vậy. Nhưng các chiến sĩ biên phòng vẫn đột nhập được vào tòa nhà này.
Séc-bít-xki, một đoàn viên thanh niên cộng sản, đã quảng được tên bắn
súng máy ở cửa sổ tầng hai xuống. Chuẩn úy Man-cốp ném lựu đạn vào
bọn phát-xít nấp dưới hầm nhà. Chiến sĩ dẫn đường An-đrê-ép cùng hai
chiến sĩ biên phòng đem theo chó đã phát hiện chính xác những tên bắn tiểu
liên hóa trang. Vào lúc 14 giờ, trên quảng trường xuất hiện hai xe tăng
địch, pháo binh ta có mặt kịp thời và đã xóa sổ chúng”.
Tôi xin nói trước rằng những trận chiến đấu giành giật thành phố kéo dài
khá lâu. Bọn phát-xít đã ba lần chiếm được thành phố, nhưng cả ba lần
chúng đều bị các binh đội thuộc sư đoàn bộ binh 99 quang vinh và các phân
đội biên phòng đánh bật ra. Bộ đội giữ vững Pê-rê-mư-slơ cho đến khi nhận
được mệnh lệnh rút khỏi thành phố.
Tại các khu vực khác của tập đoàn quân 26, tình hình cũng không đáng
lo ngại. Trong dải tập đoàn quân 12 giữ tuyến phòng ngự ở Các-pát và Bu-
cô-vi-na, thì hoàn toàn yên tĩnh.