Nam, nên không thể nào chấp nhận chủ trương chung sống hoà bình của
Kroushchev. Hơn nữa, ảnh hưởng của Trung hoa đã lan rộng trong mọi mặt
từ hình thức tổ chức đến tư tưởng của Việt nam, từ các chính sách đấu tố,
trăm hoa đua nở, đến các bộ quần áo đại cán, các danh từ đồng chí, bí thư,
uỷ viên... Vì thế, bài diễn văn của Kroushchev lên án Staline do phái đoàn
Việt nam đi họp mang về bị giấu kín, chỉ cho các Uỷ viên Bộ Chính trị đọc.
Các nhân vật có khuynh hướng thân Liên xô như Hoàng Minh Chính, Viện
Trưởng Viện Triết học, Nguyễn Văn Vịnh, trung tướng, chủ tịch Uỷ ban
thống nhất của Quốc hội, Đỗ Đức Kiên, đại tá cục trưởng cục tác chiến,
Nguyễn Minh Nghĩa, đại tá cục trường cục quân báo... cùng một số cán bộ
chính trị và quân đội khác bị ghép tội, bỏ tù hay bị mất chức. Tuy theo đuổi
một đường lối thiên về Trung hoa, nhưng bề ngoài, Việt nam không thể bỏ
lơi Liên xô, một siêu cường cộng sản đàn anh, một thánh địa. Vì thế mà
Việt nam đã luôn cố gắng đứng trung lập trong cuộc tranh chấp Nga Hoa.
Lúc đó, nếu báo Nhân dân có đăng bài về Cách mạng Tháng Mười thì bên
cạnh đó, sẽ có một bài khác nói về cuộc Vạn Lý Trường Chinh với cùng
một số chữ, và trong các cuộc tiếp tân, số quan khách của cả hai nước Nga
Hoa được mời đều ngang nhau, cũng như số lượng rượu Vodka và Mao đài
đem ra chiêu đãi cũng ngang nhau. Đi dự đại hội các đảng cộng sản ở
Moscow, khi phái đoàn Trung hoa do Chu Ân Lai cầm đầu giận dữ bỏ về
nước thì ông Hồ Chí Minh cũng bỏ phòng họp ra ngoài, nhưng chỉ ra đi dạo
ở Moscow.
Sau 1970, nhiều diễn biến đã xảy ra khiến cho Việt nam ngày càng thiên về
Liên xô, và Liên xô cũng chú ý nhiều hơn đến Việt nam. Lúc đó, Hồ Chí
Minh vừa mới chết, Lê Duẩn lên nắm quyền. Trong số những lãnh tụ kỳ
cựu của Việt nam, Lê Duẩn là người ít chịu ảnh hưởng của Trung hoa.
Trước 1954, địa bàn hoạt động của Lê Duẩn luôn luôn là ở miền Nam, chưa
từng phải lưu lạc sang Trung hoa, hay tiếp xúc với các cố vấn Trung hoa.
Hơn nữa những đối thủ của Duẩn như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đều
chịu ảnh hưởng của Trung hoa nhiều hơn, nên Lê Duẩn mặc nhiên có
khuynh hướng thân Nga. Đồng thời, tình hình biên giới Nga Hoa cũng như
chủ thuyết Brezhnev biện minh cho sự xâm lăng các nước chư hầu cộng