Năm 1940, khi thế chiến II bùng nổ, Golding phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Anh. Là thuyền
trưởng, ông đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Golding từng có mặt trong chiến dịch đổ bộ lên
Normandie (Pháp) năm 1944 của quân Đồng minh. Năm 1945, chiến tranh kết thúc, ông trở lại với
nghề sư phạm.
Golding cho rằng những thảm họa ông từng chứng kiến trong chiến tranh: sự dã man của con người,
đặc biệt là tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã… tất cả chỉ có thể giải thích được qua cái Ác Bẩm
sinh. Chúa Ruồi (Lord of the Flies), cuốn tiểu thuyết đầu tay và nổi tiếng nhất của Golding xuất bản
năm 1954 mang đậm ưu tư này của tác giả. Truyện kể về diễn tiến bi thảm trong cuộc sống của mấy
chục đứa trẻ khoảng từ sáu đến mười hai tuổi may mắn sống sót trên một hoang đảo ở Nam Thái
Bình Dương sau khi chiếc máy bay chở chúng đi sơ tán bị trúng đạn trong một cuộc chiến tranh
nguyên tử.
Cũng bối cảnh là hoang đảo, nhưng khác với loại chuyện phiêu lưu có hậu kiểu Robinson Crusoe hay
Đảo giấu vàng… Chúa Ruồi là một câu chuyện ngụ ngôn, tư tưởng của tác giả ẩn sau rất nhiều ẩn
dụ và biểu tượng.
Mới đầu, khoảng hai mươi nhà xuất bản ở Anh đã từ chối bản thảo của Golding. Cuối cùng, cuốn
sách được nhà xuất bản Faber and Faber tại London phát hành, song chẳng gây được tiếng vang gì.
Tuy nhiên, hai, ba năm sau, cuốn tiểu thuyết được nồng nhiệt đón nhận ở Mỹ. Điều này không thể
giải thích rằng “Bụt chùa nhà không thiêng”, mà vì người dân Anh mới trải qua hai cuộc thế chiến
thảm khốc chỉ trong vòng hơn hai mươi năm, họ đâm ra kỵ loại truyện có nội dung u ám, bi quan. Từ
đó, Chúa Ruồi trở nên nổi tiếng, được đưa vào giáo trình văn học ở Anh, Mỹ và nhiều nước Châu
Âu, tác phẩm còn được dựng thành phim hai lần – năm 1963 và 1990.
Sau Chúa Ruồi, Golding còn cho ra đời nhiều tác phẩm khác, phần lớn đều mang nỗi trăn trở của ông
về hai chữ Thiện và Ác của con người.
Năm 1980, Những nghi lễ của chuyến đi (Rites of Passage), tập đầu trong bộ truyện ba quyển với chủ
đề tương tự Chúa Ruồi, đoạt giải Booker.
Năm 1983 Golding được trao giải Nobel văn học vì sự nghiệp của ông.
Năm 1988 ông được Nữ hoàng Elizabeth II ban tước Sir.
William Golding mất ngày 19 tháng Sáu 1993.
Đánh giá:
“Nếu Chúa Ruồi chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học thiếu nhi, ắt hẳn nó sẽ vô cùng rạo rực và
tươi sáng, nhưng tác giả của nó là Golding, người đã trải qua đủ ác mộng để hiểu rằng: nơi nào con