22. Bụng không
Một anh học trò gần ngày thi, lo lắng quá sức, đến nỗi ăn không ngon,
nằm không ngủ. Vợ, vì ngày xưa học trò thi đều lớn tuổi, vợ anh thấy vậy
mới nói : « Tôi coi bộ anh lo thi nó cũng khó bằng tôi lo đẻ ! »
Anh học trò trả lời : « Hứ ! Đẻ coi vậy mà còn dễ ».
Con mẻ cãi lại, hỏi đẻ sao mà dễ ? Ảnh nói tỉnh khô : « Thứ đàn bà có
con sẵn trong bụng, nín hơi rặn thét nó phải ra, cho nên đẻ không khó khiết
gì. Chứ như tôi đây, gần ngày thi mà bụng trống chữ không, mới lấy gì mà
rặn : Thi khó hơn đẻ ».
Phỏng theo bài số 4
Tiếu lâm Phụng hoàng San.
*
…Chứ tao đây, ngày thi đã kề mà một chữ trong bụng cũng không có,
mới lấy gì mà cho ra ?
…Mầy có con sẵn, mầy rặn thì nó lòi, ngặt tao không có chữ nào, lấy
gì cho lòi ?
(Trên đây là những câu nghe lóm và mỗi lần mỗi khác. Cho hay
chuyện Tiếu lâm là kho gia tài vô tận của bình dân và của nhiều đời để lại,
không rõ ắt ai là tác giả và câu ấy đã có từ lúc nào. Xưa bên Pháp, có tiếng
tài ba lỗi lạc nhứt thời là ông Voltaire. Nhưng Voltaire tiên sanh, kể về hóm
hỉnh và đáo để, có khi thua thằng « vô danh thị » xa lắc. (Il y a quelqu’un
qui a plus d’esprit que M. de Voltaire, c’est M. Tout-le-monde. Léon
Treich, Histoires Gauloises, Gallimard, Paris)