Theo tục lệ Chiêm Thành, hễ vua mất thì hoàng hậu, cung phi đều phải lên giàn
hỏa, hỏa táng theo vua.
Vua Trần Anh Tôn biết vậy, nên mật sai võ tướng Trần Khắc Chung dẫn tùy tướng
nói thác rằng sang Chiêm quốc điếu tang, kỳ thật để lập mưu cứu Huyền Trân công chúa
đem về nước.
Khi đến kinh thành Đồ Bàn, Trần Khấc Chung nói với thái tử Chiêm rằng:
- Bản triều sở dĩ kết thân với Chiêm quốc vì vua trước là Hoàng Vương người ở
Tượng Lâm, thành Điền Xung là đất Việt Thường. Hai bên cõi đất liền nhau, để dân yên
phận hưởng thái bình nên đã gả công chúa cho quốc vương. Gả như thế là thương dân
chớ không phải mượn má phấn giữ trường thành đâu. Nay hai nước đã kết hiếu thì nên
giữ lấy phong tục tốt. Quốc vương mất, nếu đem công chúa tuẫn táng ngay thì việc tu
trai không người chủ trương. Chi bằng theo tục lệ bản quốc, trước hãy ra bãi biển để
chiêu hồn ở bên trời, đón linh hồn cùng về rồi hỏa đàn sau.
Thái tử Chiêm quốc nghe lời nói của Trần Khắc Chung có lý nên thuận tình, để cho
công chúa Huyền Trân xuống thuyền ra giữa biển làm lễ chiêu hồn. Bấy giờ, Trần Khắc
Chung bố trí đâu đó sẵn sàng, đem một chiếc thuyền nhẹ đợi sẵn ở giữa biển, đợi thuyền
chở công chúa ra tới nơi, lập tức cướp công chúa sang thuyền mình, dong thuyền ra khơi
nhằm phương Bắc lướt tới.
Huyền Trân công chúa và Trần Khắc Chung gặp nhau hết sức vui mừng. Họ là hai
người tình cũ. Trai tài gái sắc tái ngộ cùng nhau thì còn gì đẹp đẽ hân hoan bằng. Bởi
vậy họ kéo dài cuộc yêu đương trên mặt biển hơn một năm mới về tới Thăng Long.
Đời sau, các văn nhân, thi sĩ cảm hứng về quãng đời lịch sử của Huyền Trân công
chúa đã dùng lời thơ, điệu hát làm nên nhiều bài truyền tụng đến đời nay.
Phần đông đều nhớ bài “Nước non ngàn dặm”. Theo điệu Nam Bình, mà có kẻ cho
rằng chính công chúa Huyền Trân đã soạn ra trên đường sang Chiêm quốc:
Nước non ngàn dặm ra đi,
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn,
Đền nợ Ô, Lý.