CHUYỆN XƯA TÍCH CŨ
Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình
www.dtv-ebook.com
Tích Trái Sầu Riêng:
Thuở xưa kia, có hai anh em cùng nhau dựng nhà bên bờ suối. Người anh là một vị
quan Tể tướng tại triều, nhưng vì chán cảnh danh lợi phù du nên lìa bỏ chốn phồn hoa
đô hội, bỏ cả hầu thiếp, ăn mặc áo vải hài gai về ẩn dật trong cảnh núi rừng, mượn gió
mát trăng thanh, cầm, kỳ, thi, tửu làm bầu bạn...
Bấy lâu nương nhờ vào sự vinh hiển của người anh, nên người em mới tạm theo về
hôm sớm bên anh, chứ lòng chỉ nghĩ đến lợi danh, mũ cao áo rộng nơi chốn kinh thành
xa hoa tráng lệ. Người em thường tìm cách xa lánh núi rừng để trở về thành thị. Biết vậy
người anh thường khuyên em:
- Càng cao danh vọng, càng giàu gian nan, chú lưu luyến cảnh lầu son gác tía, có kẻ
hầu người hạ mà làm gì cho bận tâm nhọc xác, chúng ta sống thong dong trong cảnh
thiên nhiên như vầy chẳng là thảnh thơi sung sướng lắm sao?
Những lời người anh nói, người em thường gác bỏ ngoài tai, lại chê anh mình gàn
dở nên mới bỏ địa vị quan tể tướng tại triều, chọn cách sống mai một như cỏ cây. Ngày
ngày người em tìm đủ cách hoặc tạo lấy cơ hội để tiến thân với nhà vua.
Một hôm gần bờ suối có cội cây trổ một quả, trông hình dáng xù xì như quả mít tố
nữ, ngặt vì vỏ cứng và có gai lởm chởm nhọn hoắt như kim châm. Thật là một quả lạ
chưa từng thấy bao giờ, mùi thơm lại thoảng đưa nồng nàn. Người em cho rằng cơ hội
tiến thân của mình đã đến rồi, liền hái quả lạ ủ vào trong lá để ngày mai đem về kinh
thành dâng lên cho vua thưởng thức.
Người anh hết sức khuyên lơn em không nên liều lĩnh mà chuốc họa vào thân, nơi
chốn triều đình chẳng thiếu chi trái ngon, vật lạ, vua đoái hoài chi đến một quả hình
dạng xấu xí. Người em vẫn không nghe, nằng nặc quyết ra đi.
Khi ấy người em xuống đến kinh thành, đem quả lạ dâng lên vua bảo là quả quý có
mùi thơm tựa hương trầm. Vua liền đòi người em vào rồi truyền thị vệ lấy dao bổ quả
quý ấy ra. Đến khi nhà vua đưa lên mũi ngửi bỗng ngài nhăn mặt, bịt mũi kêu thối om
sòm. Các thị vệ bèn xúm lại bắt trói người em rồi đem ra chém đầu về tội khi quân.