Nhà tâm lý học nổi tiếng, Tiến sĩ Gary Chapman, trong quyển sách của
mình có tựa đề “Năm Ngôn Ngữ Yêu Thương” (The Five Love Languages),
đã nói rằng mỗi người chúng ta đều có một “cái bể chứa đựng những yêu
thương”. Khi đứa trẻ được ủ trong không khí dạt dào tình thương và luôn
nhận được sự chấp nhận của những người xung quanh, bể yêu thương của
nó sẽ luôn ĐẦY ĂM ẮP.
Những đứa trẻ với bể yêu thương ĐẦY ẮP này luôn có cảm giác tự hào
về bản thân, ý thức được giá trị của mình và tin vào bản thân mình. Chính
điều này sẽ giúp chúng trở nên vui vẻ, tích cực và hăng hái.
Bể yêu thương khô cạn sẽ dẫn đến những vấn đề về hành vi
Khi một đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu thương và phải liên tục
nhận những lời phản đối, la rầy hay chỉ trích, bể yêu thương trong chúng sẽ
trở nên khô cạn. Những đứa trẻ kém may mắn này dần dần có thái độ bất
mãn, tiêu cực và dửng dưng với nỗi đau của người khác. Thái độ này sẽ dẫn
đến đủ loại hành vi có vấn đề như kết băng đảng với lũ bạn xấu (để có cảm
giác mình quan trọng hơn trước mắt người khác), chơi bời lêu lổng (để khỏa
lấp cái bể khô cạn trong lòng) hoặc bàng quan với hầu hết mọi sự trong
cuộc sống hàng ngày,
“Sao tôi phải quan tâm? Dù sao thì cũng đâu có ai
thèm biết đến tôi cơ chứ?”
Báo động cấp 1: Bể yêu thương của con bạn có thể cạn kiệt lúc nào
không biết
Trong đời mình hầu như tôi chưa từng trao đổi với bậc cha mẹ nào mà
không yêu thương con cái, chỉ là mức độ ít hơn hay nhiều hơn thôi. Cả bạn
nữa, người mà tôi có thể chưa từng gặp nhưng chỉ riêng việc bạn dành thời
gian để đọc quyển sách này đã nói lên điều đó. Oái oăm thay, dù chúng ta
cho con cả đại dương tình cảm, vậy mà cái bể nho nhỏ trong lòng chúng
vẫn có thể trong tình trạng khô kiệt!