□ “... Ba biết con sẽ không làm ba thất vọng.”
Sẽ còn hiệu nghiệm hơn nếu bạn đưa ra những đánh giá tốt về con cái
trước mặt những thành viên khác trong gia đình. Nhưng trên tất cả, bạn bao
giờ cũng phải chân thành, không một chút giả dối, vờ vịt. Bọn trẻ không
ngu ngốc và nếu chúng cảm thấy rằng đó chỉ là mánh khóe chứ thật lòng
bạn không nghĩ như vậy, thì không những bạn “xôi hỏng bỏng không” mà
còn làm xấu đi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Chúng sẽ không tin
tưởng bạn mà cho rằng bạn làm như thế với ý đồ xấu.
2. Chủ động nói ra cảm nhận của mình
Cho con cái biết cảm nghĩ của bạn đối với những hành vi hoặc kết quả
mà chúng đạt được cũng là một cách khơi gợi sự hợp tác và khiến chúng
quan tâm đến những vấn đề đặt ra. Nói với con, đặc biệt là những đứa trẻ
lớn, về cảm xúc thật sự của mình cũng là một cách dạy chúng biết quan tâm
và tôn trọng cuộc sống tình cảm của người khác. Đôi khi trẻ làm một việc
sai trái vì chúng chỉ nghĩ đến bản thân mình mà chưa ý thức được ảnh
hưởng của việc mình làm đối với người khác.
Nhìn chung, hầu như bất cứ đứa trẻ nào, sâu thẳm trong đáy lòng mình
cũng đều yêu thương và quan tâm đến cha mẹ. Bạn hãy luôn tin tưởng điều
đó vì niềm tin ấy sẽ dẫn dắt bạn trong những nỗ lực xích lại gần với con cái.
Bọn trẻ, một khi nhận ra rằng chúng làm cho bạn lo nghĩ và tổn thương như
thế nào, sẽ phải nhìn lại bản thân và sau đó có động thái hợp tác với bạn.