không bỏ thời gian tìm ra lý do sâu xa ẩn sau hành vi của trẻ và giúp chúng
tự giải quyết vấn đề của mình.
Hãy tưởng tượng con bạn làm vỡ bể cá trong nhà, bạn tức giận mắng
con là “hậu đậu”, “vô dụng” mà không để cho nó kịp phân bua rằng, vì
muốn giúp mẹ làm sạch hồ cá mà nó lỡ tay làm vỡ. Khi một đứa trẻ mắc lỗi
thì chúng ta đừng dừng lại ở hậu quả bên ngoài, vì điều đó không giúp ta
giải quyết được tận gốc vấn đề. Đôi khi việc la mắng và kỷ luật hàm hồ
kiểu ấy chỉ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn mà thôi.
Cũng giống với hiện tượng một đứa trẻ bị sốt. Sốt cao thường là biểu
hiện của một căn bệnh nào khác như viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt siêu vi,
nhiễm trùng v.v. chứ bản thân việc sốt cao không phải là bệnh. Cho trẻ uống
paracetamol chỉ làm trẻ hạ sốt được một lúc chứ không chữa được căn bệnh
thật sự kia. Cần phải có bác sĩ khám, xét nghiệm, kê ra những loại thuốc
đặc trị mới có thể làm cho trẻ lành bệnh. Với việc điều chỉnh hành vi của trẻ
cũng vậy, cần phải tìm ra nguyên nhân sâu xa và nếu phát hiện đó là một
nhu cầu thật sự, một ý định tốt đẹp thì ta nên trân trọng nó.
Chúng ta hãy quay trở lại với những tình huống trên để lý giải nguyên
nhân sâu xa cho những hành vi bất thường ở trẻ.
Câu chuyện của John
John bắt nạt đứa em trai có thể là vì cậu cũng là nạn nhân bị ăn hiếp ở
trường. Cậu nuôi ý định “đòi lại công bằng” và mong muốn mình mạnh mẽ
hơn, nhưng vì không biết “xả nỗi bực dọc” ấy vào đâu, cậu đành trút vào
đứa em trai một cách vô thức. Khi ta quy kết John là “độc ác”, “xấu tính”
thì rất có thể cậu đâm ra thật sự ghét bỏ đứa em mình vì cho rằng nó là
nguyên nhân khiến cậu bị trách phạt. Càng cảm thấy mình bất lực, cậu càng
bắt nạt em hơn, thậm chí còn đe dọa “nhân chứng” không được mách lại
với người lớn. Sẽ hiệu quả hơn nếu cha mẹ bỏ công tìm hiểu xem chuyện gì