người bảo vệ cho trí tuệ cổ xưa mà người Ai Cập còn bảo lưu được. Bramanti
tuyên bố mình sở hữu những tài liệu (đương nhiên người ngoại đạo không được
phép tiếp cận) có niên đại từ thời những bậc hiền nhân của Đền Karnak và những
kho lưu trữ bí mật của họ. Biểu tượng hoa hồng và cây thập tự được khởi sinh bởi
pharaon Akhenaton. Có một người có cây papyrus, Bramanti nói, nhưng đừng hỏi
tôi đó là ai.
Hội Trắng Vĩ đại là nơi đã cung cấp nền tảng học vấn cho Hermes
Trismegistus (người ảnh hưởng tới trào lưu Phục hưng Ý không kém gì ảnh
hưởng tới Ngộ đạo Princeton sau này), Homer, những giáo sĩ Celt cổ xứ Gaul,
Solomon, Solon, Pythagore, Plotinus, phái Essene, phái Therapeutae, Joseph xứ
Arimathea (người đưa Chén thánh tới châu Âu), Alcuin, vua Dagobert, thánh
Thomas, Bacon, Shakespeare, Spinoza, Jakob Böhme, Debussy, Einstein.
(Amparo thầm thì rằng có lẽ ông ta chỉ còn thiếu mỗi Nero, Cambronne,
Geronimo, Pancho Villa và Buster Keaton nữa thôi.)
Về ảnh hưởng của Hồng hoa Thập tự nguyên thủy tới Cơ đốc giáo, Bramanti
chỉ ra, cho những người còn chưa biết, rằng không phải ngẫu nhiên mà Chúa
Jesus chết trên một cây thập giá.
Các nhà hiền triết của Hội Trắng Vĩ đại cũng là những người sáng lập ra Hội
Tam điểm đầu tiên, từ thời vua Solomon. Theo các tác phẩm của ông thì rõ ràng
Dante từng là thành viên của Hội Thập tự Hoa hồng và Hội Tam điểm - nhân tiện,
cả thánh Thomas cũng vậy. Trong khổ XXIV và XXV của phần “Thiên đàng”,
người ta thấy nụ hôn ba bên của hoàng tử Rosicrux, bồ nông, người mặc áo thụng
trắng (giống áo của các vị trưởng lão trong Khải huyền), và ba đức hạnh thần học
của các hội kinh sĩ Tam điểm (Trung thành, Hy vọng và Nhân ái). Trên thực tế,
bông hoa biểu tượng của Hội Thập tự Hoa hồng (hoa hồng trắng trong các khổ
XXX và XXXI) được Công giáo La Mã tiếp nhận như một biểu tượng của mẹ
đấng Cứu thế. Bởi thế mới có Hoa Hồng Mầu Nhiệm của các kinh cầu.
Cũng không kém rõ ràng là các thành viên Hội Thập tự Hoa hồng đã tiếp tục
sống qua thời Trung cổ, một thực tế được chứng minh không chỉ bằng việc họ trà
trộn vào các hiệp sĩ dòng Đền, mà còn bởi những văn bản minh nhiên hơn nhiều.
Bramanti dẫn lời một Kiesewetter nào đó, người chứng minh vào cuối thế kỷ 19
rằng hồi thời Trung cổ Hội Thập tự Hoa hồng đã sản xuất ra hai tạ vàng cho
tuyển hầu tước vùng Saxony, bằng chứng rõ ràng có thể thấy trên một trang nào
đó của Theatrum Chemicum, xuất bản ở Strasbourg vào năm 1613. Nhưng ít
người để ý tới những dữ liệu về hiệp sĩ dòng Đền trong truyền thuyết về William
Tell. Tell đẽo mũi tên từ một cành tầm gửi, một giống cây trong thần thoại Aryan,