Genève), năm 1864. Maurice Joly không có quan hệ nào với Crétineau-Joly,
nhưng sự tương đồng trong tên của hai người hẳn phải có ý nghĩa nào đó.
Cuốn sách của Joly là một tập tài liệu mỏng cổ vũ tự do chống Napoléon III,
trong đó Machiavelli, kẻ đại diện cho chủ nghĩa vị kỷ của tên độc tài, tranh cãi
với Montesquieu. Joly đã bị bắt vì trò mạo hiểm cách mạng này, ông ta ngồi tù
mười lăm năm, đến năm 1878 thì tự vẫn. Âm mưu của người Do Thái phát biểu
trong Nghị định thư được lấy gần như y từng chữ những gì Joly đặt vào miệng
Machiavelli (mục đích biện minh cho phương tiện); sau Machiavelli, những lời
đó trở thành của Napoléon. Tuy nhiên, tờ Thời báo không nhận ra (nhưng chúng
tôi thì có) rằng Joly đã trơ trẽn sao chép văn bản của Sue vốn có trước cuốn sách
kia ít nhất bảy năm.
Một nữ tác giả bài Do Thái, kẻ sùng bái thuyết âm mưu và những Bề trên
Ẩn danh, một bà Nesta Webster nào đó, đối diện phát hiện mới này, cái phát hiện
đã hạ bệ Nghị định thư xuống mức độ hành động ăn cắp rẻ tiền, đã cung cấp cho
chúng tôi một ý tưởng sáng láng, loại ý tưởng mà chỉ một người thụ giáo thực sự
hoặc một người săn lùng người thụ giáo mới có thể có: Joly là một người thụ
giáo, ông ta biết được Kế hoạch của những Bề trên Ẩn danh và gán nó cho
Napoléon III, kẻ mà ông ta căm ghét. Nhưng điều này không có nghĩa là Kế
hoạch không tồn tại độc lập với Napoléon. Bởi vì Kế hoạch được phác thảo trong
Nghị định thư là một mô tả hoàn hảo hành vi thông thường của người Do Thái,
vậy nên chắc chắn người Do Thái là những người phát minh ra Kế hoạch. Chỉ
cần đọc lại bà Webster kia dưới ánh sáng logic của chính bà ta: bởi Kế hoạch
trùng khớp chính xác với điều các hiệp sĩ dòng Đền muốn, cho nên nó là Kế
hoạch của các hiệp sĩ dòng Đền.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn có logic của những sự kiện mình đang nắm giữ.
Cả nhóm đặc biệt bị thu hút bởi đoạn trong nghĩa địa Praha. Chuyện là một người
tên Hermann Goedsche, một nhân viên bưu điện Phổ vô danh tiểu tốt đã cho in
những tài liệu giả dối để bôi nhọ danh dự của Waldeck, một người ủng hộ nền
dân chủ. Những tài liệu này buộc tội Waldeck âm mưu ám sát vua nước Phổ. Sau
khi bị lột mặt nạ, Goedsche trở thành biên tập viên cho ấn phẩm chính trị của giới
địa chủ bảo thủ lớn. Die Preussische Kreuzzeitung. Sau, dưới cái tên Ngài John
Retcliffe, ông ta bắt đầu viết những tiểu thuyết giật gân, trong đó có Biarritz in
năm 1868. Trong truyện ông ta mô tả một cảnh tượng huyền bí tại nghĩa địa
Praha, rất giống với cuộc họp của Quang chiếu hội mà Dumas đã mô tả ở đầu
cuốn Giuseppe Balsamo, nơi mà Cagliostro, lãnh tụ của các Bề trên Ẩn danh,