băng đèo như chạy trên bình địa. Thằng bé nhiếc mắng chửi bới om sòm, y
chỉ một mực làm ngơ. Lương Tiêu la hét một hồi khô ran miệng lưỡi, im
tiếng dần. Đi được hơn một trăm dặm, bóng tà dương chìm xuống phía tây,
sắc trời nhuộm tối. Chẳng biết ấy là vùng nào, chỉ thấy bốn bề cỏ cây um
tùm, thi thoảng vẳng tới điệu suối chảy róc rách, tiếng được tiếng mất. Lại
đi thêm một thôi đường, bên trời đông mặt trăng sáng ngời nhô lên vành
vạnh, rạng rỡ huy hoàng. Lương Tiêu nhìn vầng trăng tròn trặn, bỗng nhớ
tới gương mặt tươi cười của mẹ, hình ảnh của cha cùng thuở êm ấm ngày
xưa, mắt nó cay cay, trái tim nóng sực, nếu không ngại người lạ, chắc nó đã
òa lên khóc rồi.
Đúng lúc ấy Tần Bá Phù dừng chân, ném bịch Lương Tiêu xuống đất.
Lương Tiêu đang cảm thương quá khứ tự nhiên ngã chổng vó, tâm trạng
càng thêm buồn bực liền tức tối chửi:
- Lão dặt dẹo thần kinh hả, sao mạnh tay như vậy?
Tần Bá Phù nổi giận rủa:
- Ngã mà không chết luôn cho nhẹ nợ!
Lương Tiêu phát khùng, nhảy cẫng lên định vặc lại, chợt có tiếng sói gào
trỗi dậy xa xa, âm thanh quái quỷ dị thường. Thằng bé rùng mình. Những
ngày tháng phiêu bạt, nó đã từng bị sói hoang quây bắt ngoài đồng dã, đôi
khi phải leo lên cây mới thoát được tai họa. Nay nghe từng tràng hú rên
lảnh lót vọng tới, bốn bề cây cối lắc lư, âm u vặn vẹo như bóng ma, nó
bỗng sợ hãi, nép sát vào Tần Bá Phù.
Nhìn thằng bé lộ vẻ khiếp nhược, Tần Bá Phù bất giác phì cười, “Đúng là
trẻ con!” Sau một hồi chạy đôn chạy đáo cũng đã mền mệt, thảng đâu khí
độc trong người bốc lên, y bật ho sù sụ. Lương Tiêu liếc sang, tự hỏi: “Lão
ốm o vốn khỏe như trâu, sao bỗng nhiên phát bệnh thế này?” Nó ngước mắt
quan sát, lại thấy Tần Bá Phù đã vuốt râu trầm ngâm, chăm chú nhìn một
vách đá bên tay trái. Lúc ấy ánh trăng hắt lên mặt đá, soi hiện những hốc gờ
lồi lõm như khắc chữ. Tần Bá Phù ngắm một lúc lâu rồi lẩm nhẩm đọc,
“Nhân tâm thay đổi, sao phân biệt được trắng đen vuông tròn? Thế sự quỷ
quái, khó tách rời chuyện hơn thua được mất.” Đó là đôi câu đối khắc trên
vách đá, tuy âm vận thô lậu, song tả được cái tình người ấm lạnh, cái lẽ đời