- Người to lại to, đi ra của Tốn ở hướng đông nam, lại qua cửa Khảm ở góc
tây bắc, rồi về vị Thổ ở trung ương.
Minh Tam Thu vô cùng kinh hãi, tiếp tục biến chiêu, không ngờ cứ giơ
chân là Lương Tiêu lại đem biến hóa phía sau nói hết ra. Mọi người chỉ
thấy Lương Tiêu một tay chống nạnh, miệng lẩm nhẩm đọc, Minh Tam Thu
thì huy quyền xuất cước, chạy đông chạy tây, nhưng thuỷ chung không
đánh ra được một chiêu nửa thức, tức thì nhất tề nhìn nhau, thầm kêu cổ
quái. Chỉ có Hoa Vô Xuy nhĩ lực thông huyền, nghe được những lời đó, bất
giác phải nhè nhẹ gật đầu: “Tiểu tử này không chỉ toán học nhất thiên hạ
mà còn tâm tính giảo hoạt, nếu nói to lên thì Minh Tam Thu có thể chỉ cho
đó là hư trương thanh thế, y lẩm bẩm như vậy ngược lại khiến hắn không
sao hiểu rõ được.”
Minh Tam Thu biến liền chín chiêu đều bị Lương Tiêu bằng miệng phá
giải, bất giác thúc thủ vô sách. Lương Tiêu chiếm được tiện nghi, bất ngờ
sử ra một chiêu “Y Doãn Canh Thổ” (Y Doãn cày ruộng), dựa theo truyện
Y Doãn trước khi đi tìm vua Thang của nhà Thương thì chỉ là một nô lệ
làm đất, vì vậy chiêu đó một vung một đè, có thế vung bừa cày ruộng.
Minh Tam Thu chống đỡ không được, phải lại lùi nửa bước. Lương Tiêu lại
sử chiêu “Thái Công Thuỳ Điếu” (Thái Công hạ cần câu) tay phải tìm mồi
câu, tay trái hạ cần. Minh Tam Thu lúc này trong lòng rối loạn, thấy Lương
Tiêu dưới sườn trái có vẻ sơ hở, trong lòng nhất thời phấn chấn liền sử
chiêu “Phù Sai Lục Tuyệt” (Phù Sai sáu lần cự tuyệt), phóng chưởng đánh
thẳng vào Trung Cung. Không ngờ Thái Công câu cá thực ra là câu người
(người dịch: câu này nói đến việc Khương Thái Công ngồi câu cá nhưng
lưỡi câu thẳng chứ không có móc, mục đích không phải là câu cá mà là chờ
đợi Chu Văn Vương), chiêu đó của Lương Tiêu chính là kế dụ địch, lập tức
quyền phải đẩy ra, dùng tá lực đả lực phá giải tuyệt chưởng của Minh Tam
Thu, còn chưởng trái đánh ra kích trúng ngực hắn. Minh Tam Thu lùi liền
hai bước, ngực đau không chịu nổi. Mọi người thấy hắn trúng chưởng, bất
giác kinh hãi kêu ầm cả lên.
Chú thích: (theo mienlitangcham)
1. “Tao” ở đây là Ly Tao, thơ của Khuất Nguyên thời Chiến quốc)