trong những xã hội văn minh và phồn thịnh, thì có nhiều người chẳng lao
động gì cả nhưng họ lại tiêu thụ sản phẩm lao động gấp mười, gấp trăm lần
so với đa số nhân dân lao động. Thế nhưng, số lượng sản phẩm do lao động
của toàn xã hội làm ra nhiều đến mức có thể cung cấp rất đầy đủ cho mọi
người. Một người lao động chăm chỉ và biết tiết kiệm thì có thể được
hưởng những thứ cần thiết cho đời sống của anh ta hơn rất nhiều lần so với
bất kỳ một người nào trong xã hội còn hoang dã.
Những nguyên nhân tăng năng suất lao động và phương thức phân
phối sản phẩm giữa các tầng lớp trong xã hội là chủ đề của quyển I trong
công trình nghiên cứu này.
Bất kể trình độ kỹ năng, tài khéo léo và cách thức nhận định và quyết
đoán phương thức lao động của một nước là như thế nào, sự dồi đào hay
khan hiếm các sản phẩm làm ra trong một năm tùy thuộc vào tỷ lệ giữa số
người hàng năm được sử dụng vào lao động có ích và số người phi sản
xuất. Số người lao động sản xuất hữu ích bất kỳ ở đâu cũng tỷ lệ với số vốn
bỏ ra để tạo cơ sở cho họ sản xuất và tỷ lệ với cách sử dụng vốn, vì vậy
quyển II bàn về bản chất của vốn cổ phần, về phương pháp tích lũy vốn dần
dần và về các số lượng lao động được sử dụng tùy theo các cách thức sử
dụng vốn khác nhau.
Các quốc gia khá tiến bộ về mặt kỹ năng, kỹ xảo, tài khéo léo và óc
phán đoán trong việc áp dụng sức lao động vào sản xuất, và do đó những kế
hoạch đó của họ không phải lúc nào cũng thành công như nhau về mặt sản
lượng. Một vài quốc gia có chính sách khuyến khích mạnh mẽ ngành sản
xuất ở nông thôn, nhưng những quốc gia khác lại khuyến khích công
nghiệp ở các thành thị mà thôi. Hiếm thấy các quốc gia lại có chính sách
giải quyết đồng đều và thỏa đáng đối với mọi ngành sản xuất. Từ khi đế
quốc La Mã sụp đổ, Châu Âu thực thi một chính sách thuận lợi đối với
nghệ thuật, công nghiệp, thương mại, các ngành kinh doanh ở thành thị hơn
là đối với nông nghiệp là một ngành sản xuất ở nông thôn. Những hoàn
cảnh và sự kiện dẫn đến việc đưa ra áp dụng chính sách này được giải thích
ở quyển III.