tất cả mọi khía cạnh, bởi người, dù nghiên cứu lịch sử hay văn học, nghệ
thuật hay luật pháp, đã học được cách nhìn cá nhân như là một bộ phận của
một quá trình trong đó sự đóng góp của anh ta không phải được điều khiển
mà là tự phát, và ở đó anh ta hỗ trợ việc tạo ra một số thứ vĩ đại hơn những
gì anh ta hay bất kì bộ óc cá nhân nào khác có thể vạch ra. Chính sự nhận
thức [về cá nhân] như là một bộ phận của quá trình xã hội và sự nhận thức
về cách thức mà những nỗ lực cá nhân tương tác là những thứ mà nền giáo
dục dựa trên chỉ các ngành Khoa-Học hay công nghệ dường như gặp thất
bại thảm hại trong việc truyền tải. Không hề ngạc nhiên khi có nhiều bộ óc
năng động hơn trong số những bộ óc được đào tạo theo kiểu đó sẽ sớm hay
muộn phản ứng theo kiểu bạo lực chống lại những khiếm khuyết mà nền
giáo dục đó mang lại cho họ, và rồi họ nuôi dưỡng tham vọng áp đặt lên xã
hội cái thứ trật tự mà họ không thể tìm ra bằng những phương pháp quen
thuộc.
Để kết luận, có lẽ vẫn hữu ích khi tôi nhắc lại cho độc giả một lần nữa
rằng tất cả những gì chúng ta nói đến ở đây chỉ nhằm chống lại cách ứng
dụng sai lầm của Khoa-Học, tức thay vì chống lại nhà khoa học hoạt động
trong đúng lĩnh vực chuyên sâu nơi anh ta am tường, chúng ta chống lại
việc áp dụng những thói quen suy nghĩ của nhà khoa học này vào những
lĩnh vực mà anh ta không am tường. Không có sự mâu thuẫn nào giữa
những kết luận của chúng ta và các kết luận của khoa học chính thống. Bài
học chủ yếu mà chúng ta có được thực ra giống hệt như bài học mà một
trong những nghiên cứu viên sắc bén nhất về phương pháp khoa học rút ra
từ một cuộc điều tra trong tất cả các lĩnh vực khám phá tri thức: “bài học vĩ
đại về sự khiêm cung mà khoa học dạy chúng ta, rằng chúng ta không bao
giờ có thể có quyền năng tuyệt đối hay thông suốt mọi sự, cũng chính là bài
học mà tất cả những tôn giáo lớn thuyết giảng: con người không phải và sẽ
không bao giờ là Chúa Trời, người mà khi đối mặt anh ta cần phải biết cúi
đầu”