- Cái gì? - Tsanka hét lên, bật dậy như bị con gì cắn. - Vì cái gì? Tôi
không giết ai cả! Tôi không giết…
Đội bảo vệ xuất hiện, ngay lập tức tròng còng số tám vào tay và dẫn
Tsanka đi. Việc thẩm vấn còn tiếp tục kéo dài trong suốt hai tuần. Vẫn
những câu hỏi ấy lặp đi lặp lại. Đã có nhiều kinh nghiệm trong những việc
như thế này, Tsanka quyết định phải đấu tranh đến cùng dù anh biết người
ta có thể lạnh lùng đổ hết tội lỗi cho anh. Tsanka bắt đầu phân tích từng câu
hỏi, rút ra những nhận định, từ đó nghĩ ra cách ứng phó và chiến thuật mới.
Mặc dù vậy, sang đến ngày thứ ba, thần kinh của Tsanka không chịu đựng
nổi, anh quyết định phó thác cho số phận. Tsanka hiểu, cuộc đấu tranh này
là vô ích và vô nghĩa, cũng giống như hồi năm 1935, anh đã bị kết án vì
những tội lỗi mà mình không hề gây ra. Giờ vẫn không có gì thay đổi cả,
chỉ có bầu không khí trở nên thông thoáng hơn đến mức khó chịu với cái vẻ
ngoài lịch thiệp còn bên trong thì bốc mùi. “Chẳng lẽ tất cả đang vận hành
theo một quỹ đạo mới? - Tsanka nằm trong phòng giam, gác đôi chân dài
lên tường, ngẫm nghĩ. - Chẳng lẽ mình lại bỏ mặc những đứa con nhỏ của
mình cho sự may rủi của số phận. Tại sao số phận của mình lại như vậy?
Mình sống để làm gì?”.
Đúng một tuần sau, bằng sự linh cảm, Tsanka nhận ra tình hình đã có
sự thay đổi gì đó. Khả năng tiên đoán của một kẻ bị bắt cho thấy, các nhân
viên điều tra không quan tâm đến anh nữa. Như vậy, có hai khả năng có thể
xảy ra: hoặc là họ đã có đủ bằng chứng kết tội anh, hoặc là họ không còn
hy vọng gì ở anh nữa và đang tìm kẻ giết người thực sự.
Đột nhiên, vào cuối một buổi thẩm vấn, ông Ilin tò mò hỏi:
- Công dân Arachaev, anh có hài lòng với điều kiện phòng giam
không?
- Phòng giam thì có nhưng trại giam thì không, - Tsanka xẵng giọng.