đến với Disney sau thành công chói lọi trong ngành sản xuất
chương trình truyền hình ở kênh truyền hình ABC và sau đó là sản
xuất phim tại hãng phim Paramount Pictures. Nhưng giờ thì Roy
cho rằng những thành công rực rỡ mà Eisner có được trước đó chẳng
qua là nhờ may mắn gặp được những đối tác ăn ý: Barry Diller ở
ABC và Paramount; sau đó là Frank Wells và Jeffrey Katzenberg
trong những năm đầu thành công đáng kinh ngạc ở Disney. Kể từ
khi Wells qua đời trong một tai nạn máy bay thương tâm vào năm
1994, còn Katzenberg phải ra đi trong cay đắng liền sau đó, trách
nhiệm đối với Disney đổ dồn lên một mình Eisner. Theo cách nhìn
nhận của Roy thì tình cảnh đó đã dẫn đến những hậu quả vô cùng
tồi tệ. Khi cả sức mạnh tài chính lẫn năng lực sáng tạo của công ty
đều đi xuống, Eisner lại khư khư giữ lấy quyền lực như một kẻ
quẫn trí, cho rằng ông ta và chỉ mình ông ta là sở hữu khả năng sáng
tạo thiên bẩm cùng những kỹ năng quản lý cần thiết để dẫn dắt
Disney trở thành tập đoàn giải trí và truyền thông của thế kỷ XXI.
Eisner còn tự cho mình là người thừa kế ngôi vị của Walt, xuất hiện
hàng tuần trên màn hình ti vi trong phòng khách của các gia đình
Mỹ với tư cách người dẫn chương trình “The Wonderful World of
Disney” (Thế giới kỳ diệu của Disney), hệt như những gì Walt đã
từng làm.
Về phương diện này, Roy cảm thấy Eisner chỉ là mắt xích tiếp
theo trong chuỗi dài những kẻ dám tự vỗ ngực cho rằng mình có thể
ngồi vào ngôi vị của Walt. Đôi khi ông băn khoăn tự hỏi, tại sao lại có
quá nhiều người muốn là hiện thân của Walt đến vậy? Chẳng ai
lượn quanh Hollywood để rao giảng rằng mình là Louis B. Mayer
cả. Điều gì khiến bọn họ ảo tưởng rằng
mình là người phù hợp để thay thế Walt? Đầu tiên là E. Cardon
Walker, rồi đến con rể của Walt, Ron Miller – chủ tịch và giám
đốc điều hành của Disney, những kẻ lúc nào cũng lôi những kỷ
niệm về Walt ra để làm bệ phóng. Sau đó lại đến Jeffry Katzenberg,