Những đồ chơi của Trung đã được đem hết cho các em, nên trong
nhà không còn gì mang ra đổi được. Thấy không còn cách nào khác,
Trung bèn xin mẹ mua cho một quyển sách và một quyển vở mới để
mang đến trường.
Mẹ của Trung không đồng ý, vì tháng trước đã tiêu tốn khá nhiều
tiền để mua sắm đồ dùng cho con cái. Cuối cùng, mẹ Trung lục lại trong
đống đồ cũ tìm được một chiếc cặp sách bị rách. Lau chùi, khâu lại chỗ
này, sửa lại chỗ kia một chút, rồi đưa cho Trung mang đến trường.
Mẹ Trung nghĩ như vậy là ổn thỏa, không ngờ người bạn học trao đổi
đồ với Trung đã dẫn mẹ đến gặp thầy giáo, mách rằng Trung đã lừa
mang đồ cũ rách để đổi lấy chú gấu bông Teddy của mình, đòi Trung
phải trả lại đồ. Trung bị gọi đến phòng giáo viên, trong lòng bối rối
không biết làm gì, chỉ biết khóc òa lên…
Cha mẹ là người thầy đầu tiên giáo dục tài chính cho trẻ, nhưng cũng
có thể là người đầu tiên khiến trẻ tiếp xúc với cái xấu. Vì thế, cha mẹ
phải giúp trẻ nắm chắc đạo đức tài chính, ngoài việc chú trọng cách dạy
bảo con cái những điều hay lẽ phải, bản thân còn phải trở thành tấm
gương mẫu mực để trẻ noi theo.
Giáo dục tài chính không chỉ là một hình thức giáo dục
cách quản lý tài chính, mà còn phải giáo dục nhân cách,
phẩm đức và lòng tin. Nếu có thể khai sáng được vấn đề từ khi
còn nhỏ, bồi dưỡng cho trẻ thói quen và quan niệm tài chính
đúng đắn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng và thay đổi được cả cuộc đời
trẻ.
* Chữ tín quý trọng hơn cả tiền bạc.
* Có đạo đức mới có tiền tài.
* Chữ “tín” là “giấy chứng minh nhân dân” thứ hai.
* Lừa người cuối cùng lại là hại mình.