hiểu gì hết về tính chất chính trị của tổ chức ấy, điều duy nhất mà các người
thẩm vấn hắn ta chú trọng đến.
Hắn ta được chuyển cùng Janisch đến trại tù binh dành cho các sĩ quan
SS tại Weiden. Nơi ấy có khoảng 2000 tù binh SS. Để đề phòng cho các
cuộc thẩm vấn nghiêm trọng sắp đến. Eichmann đã chuẩn bị sẵn cho mình
một câu chuyện có thể tin được. Ngay từ buổi đầu tiên, hắn ta không còn
tên Barth nữa mà là Eickmann, sanh tại Breslau., và là Trung úy của Sư
đoàn 22 kỵ binh. Câu chuyện của hắn ta có vẻ được chấp nhận.
Hắn ta đã chọn tên Eickmann vì sợ rằng, trong một lúc mệt mỏi hay
quên lãng, có thể thốt ra tên thật của mình. Vì hai cái tên rất tương tự nhau,
hắn ta vẫn sẽ có thể cho mình là đã nói “Eickmann”. Hắn ta đã chọn
Breslau làm nơi sanh vì các văn phòng hộ tịch đã bị máy bay oanh tạc phá
hủy và do đó rất khó để kiểm chứng lại.
Tháng 7 năm 1945, Janisch và hắn ta bị chuyển đến trại
Oberdachstaetten. Người ta bắt hắn ra lăn tay trên tấm thẻ mang tên
Eickmann, sanh tại Breslau, cựu Trung úy của Sư đoàn 22 Kỵ binh SS. Hắn
ta ở lại trại nầy cho đến tháng giêng năm 1946.
Trong thời gian bị giam giữ tại trại nầy, hắn ta được các sĩ quan phản
gián Hoa kỳ dẫn đến Ansbach để chịu một cuộc thẩm vấn chi tiết. Sau khi
điền vào một bản câu hỏi dài mang tên Eickmann, hắn ta được đưa đến một
căn lều biệt lập và được đưa trở lại cho một cuộc phản thẩm vấn. Người ta
vẫn không hỏi tại sao lúc trước hắn ta lại khai tên là Barth cũng như tại sao
hắn lại khoác đồng phục của Không quân Đức. Hắn ta giải thích việc không
có giấy tờ tùy thân bằng cách nại cớ đã thiêu hủy chúng sau khi các trận
đánh đã chấm dứt, đúng theo tập quán của quân đội. Hắn ta được trả lại trại
như là “phần tử vô hại”. Thế là hắn ta lại trở về Oberdachstaetten, trong kỷ
luật quen thuộc và lơ là của thời kỳ đó.