Trước đó, đảng giặc đương hăng, quan quân cầm cự với giặc đã lâu. [59a]
Đến đây, thống lĩnh quan Phủ quận công Trịnh Căn hội các tướng bàn rằng:
"Ta là gốc của nước, nhận uỷ thác chuyên việc
đánh dẹp, việc nhà quyền nước đều là trách nhiệm của mình, đến nay đã 6
năm mà chưa dẹp yên được, lòng ta rất hổ thẹn. Các ngươi có kế sách gì
hãy trình bày cả ra".
Các tướng đều nói: "Minh công ra lệnh thế nào, chúng tôi đâu dám không
tuân theo. Song cho được vạn toàn, không gì bằng mưu tất thắng của minh
công".
Được một lát, các tướng đều lui ra. Còn một mình Công Bách ở lại sau, lại
xin vào gặp. Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn cho gọi vào nhà
riêng. Bách nhân đó nói: "Nay muốn phá giặc, nếu không xông vào nơi
nước sôi lửa bỏng, ra vào chỗ nguy hiểm thì sao giành được chiến công
toàn thắng? Nếu chỉ người này người kia nói khoe lời hão thì rất ít thành
được việc".
Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn nói: "Ý ngươi muốn thế nào?".
Bách trả lời: "Lập Sơn (ở huyện Nghi Xuân) là [59b] chỗ phải cố tranh lấy,
lấy được Lập Sơn trước thì phá giặc dễ thôi!".
Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh Căn nói: "Ta từng lên núi Dũng
Quyết xem kỹ hình thế, vẫn chú ý đến núi ấy. Nay những điều người nói
chính là chữ "hoả" trong bàn tay của người xưa"2750 .
Bách nhân đó xin làm tiên phong. Thống lĩnh quan Phú quận công Trịnh
Căn khen chí của Bách và cho làm. Đến khi đại quân qua sông, Bách một
mình đến Lập Sơn trước. Giặc thấy ít quân, đem hết quân tới vây. Bách
xông pha trong đám gươm giáo, quyết chí đánh, rồi bị hại. Bách là người
nghiêm khắc, cương chính nhưng khảng khái có đảm lược, người đương
thời ai cũng tiếc (Bách người xã Thiêm Lộc, huyện Ý Yên, nguyên họ
Trần, được ban họ Trịnh).
Mùa đông, tháng 10, sai Trịnh Kiểm cùng với bọn Trần Lương Nho, Lê
Tôn, Trịnh Phác, Trịnh Uy, Phạm Phúc Thiêm, Trịnh Tuyên, Cao Diên đến
Nghệ An, biên thuộc vào Tá quốc dinh của Thống lĩnh quan, cho sai đi
đánh giặc. Sai Lê Sĩ [60a] Triệt làm tham thị ở Tá quốc dinh, Trịnh Thế Tế