Khi mới vào nghề, đôi lúc nhà văn trẻ Charles Dickens cảm thấy
bế tắc. Vợ và bốn đứa con, thêm một đứa nữa sắp chào đời, tất
cả đều sống nhờ vào ông nhưng Dickens lại đang thất nghiệp. Sự
hoài nghi vào năng lực bản thân và áp lực về kinh tế khiến ông
không thể tìm thấy cảm hứng sáng tác. Không biết bao đêm
Dickens đã lang thang trên khắp các đường phố London cho đến
sáng.
Qua nhiều lần nói chuyện với những người ăn xin trên phố, tận
mắt chứng kiến các vấn đề xã hội nhức nhối như: tình trạng trẻ
em bị bóc lột sức lao động, sự đói nghèo, tuyệt vọng, nhà văn trẻ đã
dần dần hình thành ý tưởng. Hơn lúc nào hết, ước mong giúp đỡ
những người nghèo khó lại trỗi dậy mạnh mẽ trong ông, và Dickens
bắt đầu nhìn nhận những khó khăn của mình theo một hướng mới.
Làm sao để thay đổi? Ngoài bản thân, Dickens còn có gì khác để góp
phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn?
Ngày 14 tháng 10 năm 1843, Dickens ngồi vào bàn và bắt đầu
viết. Với nguồn cảm hứng mới mẻ vừa được khơi gợi cộng với tài
cầm bút của mình, Dickens hy vọng sẽ sáng tạo nên một quyển sách
có thể làm thay đổi thế giới cũng như tương lai của chính mình. Sau
sáu tuần, cuốn A Christmas Carol được xuất bản. Truyện có nội
dung đi ngược lại với quan niệm đạo đức truyền thống thời bấy
giờ. Tuy nhiên, tác phẩm đã nhanh chóng gây được tiếng vang và
làm thay đổi quan niệm của dư luận xã hội. Một số nhà quan sát cho
rằng sự ra đời của tập sách này cũng góp phần tác động đến phong
trào đấu tranh đang dâng cao của cuộc Cách mạng xã hội tại Anh
trong giai đoạn đó.
Với Dickens, thành quả trên đánh dấu sự khởi đầu cho thời kỳ
thăng hoa trong sự nghiệp văn chương của ông. Nhờ cuốn tiểu
thuyết, ông trở nên giàu có, có đủ vốn đầu tư vào hệ thống giáo
dục và lập quỹ từ thiện “Urania Cottage” nhằm hỗ trợ người nghèo.