Lời nói đầu
Đ
ưa ra một trình bày toàn diện về Carl Gustav Jung và học thuyết của ông
(thường được gọi là tâm lý học phân tích để phân biệt với phân tâm học của
Freud và tâm lý học thực nghiệm, môn khoa học thuần túy của giới học
thuật) trong một tập sách mỏng như thế này quả thực là một nhiệm vụ nặng
nề. Jung vừa là một học giả vừa là một tác giả viết rất sung mãn. Ngoài tâm
lý học, tâm thần học và y học, ông còn có kiến thức giáo khoa về thần thoại
học, tôn giáo, triết học, thuyết ngộ đạo và giả kim thuật. Ông cũng biết tiếng
Anh, tiếng Pháp, tiếng Latin, tiếng Hy Lạp bên cạnh tiếng Đức mẹ đẻ, và
thông thạo văn học của từng ngôn ngữ ấy. Dù không khoa trương với vốn
hiểu biết khổng lồ của mình, sự uyên bác của ông lại lộ rõ trong mọi thứ ông
viết, và Toàn tập tác phẩm của C. G. Jung gồm hai mươi tập sách dày đủ
sức đem lại sự ám ảnh cho độc giả chưa sẵn sàng.
Jung nhận ra mình không phải là người giỏi truyền đạt (“Không mấy ai
đọc sách của tôi”, ông nói, “và tôi chẳng biết làm sao để mọi người hiểu
mình muốn nói gì”), nhưng nhận thức ấy không thúc giục ông chỉnh lý các
công trình của mình một cách có hệ thống như Freud. Hệ quả là phải mất rất
nhiều thời gian và công sức để hiểu Jung từ những bài viết và tác phẩm ban
đầu của ông. Mặc dù khó tránh khỏi mất nhiều công sức tìm hiểu nếu muốn
nắm được phần nào di sản phong phú mà Jung để lại, nhiệm vụ ấy có thể
được làm cho bớt khó khăn hơn thông qua một dẫn luận súc tích, và đó là
mục đích của cuốn sách nhỏ này.