Có nhiều lý do để tôi rời bỏ Việt Nam đi tìm một môi trường kinh doanh
khác... nhưng lý do thường níu kéo tôi lại nơi đây là “ngọn lửa” của tuổi trẻ
Việt Họ làm tôi gợi nhớ đến hình ảnh của tôi, 30, 40 năm về trước... Tôi gặp
một chị quản lý cao cấp của một tập đoàn tư nhân Việt lớn, đã từng làm cho
Wall Street hơn chục năm tại Mỹ, Nhật, Thái Lan, và thông thạo 4 ngoại
ngữ. Vừa nghỉ việc, nhưng không muốn quay về Mỹ, mà bám trụ ở Việt
Nam tìm cơ hội mới. Một tinh thần yêu nước âm thầm mà không phải ồn ào
cờ pháo về “Tự hào là người Việt Nam”.
Cũng như tôi ngày xưa, mọi người trẻ đều mang trong mình cái đói khát...
đói tự do và khát thành công.
Tôi không có quà chia tay nào, ngoài những lời nói mà có lẽ mọi BCA đều
biết rõ:
1. BIẾT
Biết mình, biết người, biết tìm thầy, biết định vị, biết lực chuyển, biết sản
phẩm, biết thị trường, biết công nghệ, biết hiển tài, biết tài chính, biết văn
hóa giao tiếp. Không biết thì tìm và học và liên tục hỏi. Nghi ngờ mọi kiến
thức bất cứ từ đâu và tìm cho ra một sự thật “tương đối” qua cả trăm nghiên
khảo và góc nhìn. Trong đời, tôi chưa gặp một doanh nhân nào có chút thành
công mà ngu xuẩn. Kiến thức là nền tảng của mọi ngành nghề kinh doanh,
dù là kinh doanh cơ bắp.
Có biết, chúng ta mới có thể lập ra một kế hoạch bài bản, mới tìm được
người đỡ đầu hay tài trợ, mới xây dựng được mạng lưới thân hữu
(networking) và mới quản lý được mọi rủi ro.
2. TĂNG GIÁ TRỊ
Nguyên lý đơn giản trong việc kiếm tiền lương thiện: tạo nên giá trị gia
tăng. Ngay cả cá nhân, muốn mức lương cao hơn, phải tăng giá trị kỹ năng
và trải nghiệm của mình. Khi tăng giá trị doanh nghiệp qua bất cứ yếu tố
nào, chúng ta tăng thị giá của doanh nghiệp và của chính mình. Tăng chất
lượng sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trong tiếp thị, tăng tính khả dụng
của công nghệ, tăng hiệu năng của đội ngũ, tăng sức mạnh của công cụ tài
chính... là những phương thức tăng giá trị phổ thông cho việc kinh doanh