bị giày xéo dưới vó ngựa của quân cường khấu, dù nát thịt tan xương cũng
phải đánh tan lũ giặc Hồ. Vậy ta làm bản hịch văn này, các ngươi nghe đây
mà dốc một lòng cùng ta đem thân mình ra đền ơn nước.
Đại vương nói xong, có một viên quan cầm bản hịch văn, hướng loa
về phía ba quân, cao giọng đọc:
- Ta từng nghe, Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát Cao Đế. Do Vu
giơ lưng chịu giáo, che cho Chiêu vương. Dự Nhượng nuốt than báo thù
cho chủ. Thân Khoái chặt tay cứu nạn cho nước. Kính Đức, một chàng tuổi
trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây của Vương Thế Sung. Cảo
Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không nghe nghịch tặc. Từ
xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước thời nào không có. Giả sử
các bậc đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng chết uổng nơi
xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách để cùng bất hủ với đất trời?
Các ngươi vốn nòi võ tướng không hiểu văn nghĩa, nghe những
chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi! Việc đời trước hãy tạm không bàn. Nay ta
lấy chuyện Tống, Thát mà nói.
Vương Công Kiên là người thế nào, tỳ tướng của ông là Nguyễn Văn
Lập lại là người thế nào mà lấy thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu chống lại
quân Mông Kha đông hàng trăm vạn, khiến cho sinh linh bên Tống đến nay
còn đội ơn sâu. Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào, tỳ tướng của ông là
Cân Ty Tư lại là người thế nào mà xông pha lam chướng trên đường muôn
dặm, phá quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng
người Thát đến nay vẫn còn lưu tiếng tốt.
Huống chi ta cùng các ngươi, sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp lúc
gian lao, ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú
diều mà lăng nhục triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác lệnh
Hốt Tất Liệt, đòi ngọc lụa để thoả lòng tham khôn cùng, giả hiệu Vân Nam