Cha mẹ nên để trẻ tự giác chấp nhận việc giáo dục của mình chứ
không phải phục tùng. Giáo dục là sự thỏa hiệp của hai bên chứ không
phải do một bên quy định. Cha mẹ thường quên mất nguyên tắc này và
quen ra lệnh theo kiểu “bố mẹ nói con phải nghe”. Tại sao trẻ thường cãi
lại, đó là vì chúng không tán thành lời nói của cha mẹ. Đôi khi, mục
đích giáo dục của cha mẹ là đúng nhưng phương pháp lại không thích
hợp.
☘ ÍT DÙNG MỆNH LỆNH THỨC
Ví dụ, muốn trẻ đi ngủ có thể nói: “Con mệt chưa? Có muốn đi ngủ
không?”, câu nói này có hiệu quả hơn nhiều mệnh lệnh: “Con đi ngủ
nhanh lên!”
☘ CHA MẸ NÊN THỐNG NHẤT
Khi dạy dỗ trẻ, cha mẹ nên thống nhất, nếu mẹ bảo con đi ngủ, bố
tuyệt đối không được nói “chơi thêm lúc nữa rồi ngủ”, điều này khiến trẻ
không biết nghe ai. Nếu bố mẹ chưa thống nhất được, hãy thảo luận rồi
mới bảo trẻ làm. Bố mẹ không nên đưa ra ý kiến trái chiều trước mặt trẻ.
☘ THÁI ĐỘ TRƯỚC SAU NHƯ MỘT
Dù trẻ cầu xin, khóc lóc, làm loạn thế nào, thì cha mẹ cũng không
được đồng ý những yêu cầu vô lý của trẻ. Đây là biện pháp chính đáng
để cha mẹ rèn cho trẻ thói quen nghe lời. Nếu trẻ có lý do chính đáng
thì đương nhiên cha mẹ có thể nhượng bộ, nhưng khóc lóc, cầu xin lại
không phải lý do chính đáng. Nếu trước đó, cha mẹ không cho trẻ làm
việc này, nhưng sau lại đồng ý thì chúng sẽ dễ coi thường cha mẹ.
☘ CHA MẸ VÀ CON NÊN CÓ MỐI QUAN HỆ BẠN BÈ THẬT SỰ
Con cái có quan hệ máu thịt với cha mẹ; bởi vậy, cha mẹ phải có
trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con. Giữa cha mẹ và con nên thiết lập
mối quan hệ bạn bè thân thiết, chính quan hệ bạn bè mới là quan hệ
tình thân kiểu mới, khá lý tưởng trong thời đại thông tin hiện nay. Khi
còn nhỏ là lúc trẻ cần sự giúp đỡ nhất, nếu cha mẹ dùng tình thân, tình
bạn và sự chân thành, toàn tâm toàn ý giúp trẻ vượt qua thời gian đầu
của cuộc sống thì khi cha mẹ già đi, chúng sẽ đối xử lại với cha mẹ như
cha mẹ đã đối xử với mình, chúng sẽ coi cha mẹ là người bạn tri kỷ.