Ăn xong bữa tối, Long và bố cùng ngồi xem ti vi. Ban đầu, họ đều xem
chương trình ca nhạc mình thích, nhưng khi kết thúc chương trình, bố muốn
xem đá bóng, Long lại muốn xem hoạt hình. Cậu chạy ra lấy điều khiển bật
sang kênh thiếu nhi, bố cảm thấy mình bị xúc phạm, bèn đưa tay giật lại điều
khiển chuyển sang kênh thể thao. Long thấy thế khóc toáng lên, bố bị tiếng
khóc làm ồn; đồng thời thấy bực mình vì con dùng tiếng khóc như để phản
đối lời mình dạy bảo, vậy là liền đứng bật dậy, vừa đánh vừa kéo em nhốt vào
phòng tắm, miệng còn mắng: “Không đánh là hư như thế này đây”. Mẹ đứng
bên cạnh cũng phụ họa:“Đúng thế, không nghe lời là phải đánh, không đánh
là không ngoan lên được”.
Kết quả là từ đó, Long trở nên rụt rè, yếu đuối, không dám xem ti vi cùng bố
nữa.
Đánh đập thực chất là việc cưỡng chế hành vi của trẻ theo ý muốn
của cha mẹ, làm tổn thương đến tình cảm của trẻ. Đánh đập không phải
cách giáo dục tốt, chúng ta phải ngăn chặn hiện tượng đánh con, phải
nhận thức đầy đủ sự nguy hại của hành động đó.
Thứ nhất, giáo dục trẻ bằng đòn roi sẽ tạo khoảng cách giữa cha mẹ
và con cái. Khi bị đánh, chẳng có trẻ nào thấy thoải mái cả. Nỗi đau về
thể xác sẽ khiến chúng oán hận, chống đối, sợ hãi. Từ đó, làm cho mối
quan hệ giữa trẻ và cha mẹ mờ nhạt, khoảng cách ngày càng lớn, thậm
chí có trẻ còn nảy sinh tâm lý báo thù.
Thứ hai, trẻ sẽ mất sự tự tin, trở nên bi quan, chán ghét cuộc sống.
Mỗi đứa trẻ đều có lòng tự tôn của chính mình, chúng đều mong muốn
được người khác tôn trọng. Mà sự tôn trọng, tin tưởng của người khác sẽ
khiến chúng tự tin hơn, đó là động lực chủ yếu để chúng tiến bộ. Những
đứa trẻ thường xuyên bị đánh, lòng tự trọng sẽ bị tổn thương, sinh ra tự
ti, thiếu chí tiến thủ, dễ sa ngã. Cha mẹ vốn là người thân thiết nhất với
trẻ, bị cha mẹ đánh, trẻ sẽ thấy cuộc sống không còn sự ấm áp, sống
cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thực tế, có những trẻ vì bị cha mẹ đánh mà bỏ
nhà ra đi, thậm chí tự sát, gây nên những nỗi đau khôn cùng.
Thứ ba, những trẻ thường bị đánh sẽ có tính nóng nảy, dễ sợ hãi, bất
mãn với cha mẹ, thầy cô và xã hội. Ví dụ, nếu bị đánh vì làm bài kiểm
tra vật lý không tốt, trẻ sẽ ghét những kiến thức liên quan đến vật lý,
ghét thầy cô dạy vật lý, thậm chí ghét cả nhà trường. Khi có cơ hội, trẻ sẽ
có những hành động mang tính chất báo thù.