Ngay khi phê chuẩn kế hoạch Castor, tướng Navarre cũng đồng thời quyết
định rút bỏ Lai Châu, đây là một cứ điểm không thể nào chống cự được với
một cuộc tổng tiến công lớn và là nơi có một sân bay duy nhất trên thế giới
lại nằm trên một địa hình thấp hơn các vị trí mà Việt Minh có thể đặt được
pháo cao xạ trên các đỉnh núi vây quanh.
Điều rủi ro duy nhất là các sư đoàn Việt Minh có thể ngăn chặn cuộc rút
quân từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Để hạn chế mối nguy hiểm này, trung
tá Trancart, chỉ huy binh đoàn tác chiến Tây bắc đã nhận được chỉ thị phân
chia số binh lính đóng ở Lai Châu làm ba bộ phận.
Ngày 15 – 11 – 1953, bộ phận thứ nhất được lệnh cấp tốc hành quân theo
đường Pavie từ Lai Châu về Điện Biên Phủ trước khi Việt Minh có thể chặn
đánh bộ phận này do đại úy Bordier, một người lai Pháp, con rể của Đèo
Văn Long chỉ huy, đã hoàn thành việc rút lui một cách an toàn. Ngày 24
tháng 11, đội tiền trạm của đơn vị lính Thái ở Lai Châu đã tiến được vào
thung lũng Điện Biên Phủ rước lá cờ Pháp đi diễu qua những quả đồi Alpha
ở Bản Kéo lúc đó đang do tiểu đoàn dù lê dương số 1 đóng giữ.
Bộ phận thứ hai được liên tiếp đưa về Điện Biên Phủ bằng máy bay ngay
sau khi sân bay Điện Biên Phủ vừa được khôi phục, bắt đầu từ ngày 25
tháng 11, sớm hơn ba ngày so dự kiến. Chính những người lính dù và lính
bộ binh lê dương đã vượt mức thời gian sửa chữa đường băng. Họ cũng
được chiếc xe ui đất thứ hai giúp đỡ, chiếc này được thả dù an toàn, không
gặp sự cố như chiếc thứ nhất.
Giai đoạn ba của cuộc hành quân Pollux gặp nhiều nguy hiểm nhất. Đơn vị
hậu về ở Lai Châu đã cố bám giữ đến ngày cuối cùng để làm nghi binh, đánh
lừa Việt Minh, cho rằng ở Lai Châu vẫn còn quân lính sẵn sàng chiến đấu.
Sau đó, 2.400 quân còn lại mới phân chia thành từng đơn vị nhỏ đi theo
những đường mòn mà họ biết rõ hơn địch, tìm đường về Điện Biên Phủ và
cũng là hi vọng duy nhất để sống sót.