Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ
Khắc lậu
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả về
thời gian có những câu:
Đêm thu khắc lậu canh tàn,
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương.
và:
Giọt rồng canh đã điểm ba,
Tiểu thư nhìn mặt đường đà cam tâm.
"Khắc lậu", "Giọt rồng" là vật đo lường thời gian (ấn định thời giờ) ngày
xưa.
Về thời thượng cổ, người ta chưa có cơ khí gì để đo lường thời gian mà chỉ
có một ít dụng cụ thô sơ. Dụng cụ đó là cái đồng hồ thái dương, xuất hiện
có lẽ trước nhứt. Đồng hồ này gồm có một cái trụ đứng thẳng giữa một cái
khung bán nguyệt bằng phẳng gọi là nhật quỹ, có chia từng gạch. Mỗi gạch
là một giờ. Mặt trời chiếu cái trụ và bóng trụ ấy rọi xuống nhật quỹ, rồi
người ta căn cứ vào đó mà định giờ.
Lẽ cố nhiên, cái đồng hồ thái dương chỉ có thể dùng ban ngày và khi trời
tốt, có bóng mặt trời mà thôi. Còn ban đêm là cả một vấn đề.
Ở Việt Nam, ban đêm đại khái chia làm 5 canh:
Canh một từ 8 giờ đến 10 giờ (giờ Tuất).
Canh hai từ 10 giờ đến 12 giờ (giờ Hợi).
Canh ba từ 12 giờ đến 2 giờ khuya (giờ Tí).
Canh tư từ 2 giờ đến 4 giờ sáng (giờ Sửu).
Canh năm từ 4 giờ đến 6 giờ sáng (giờ Dần).
Ca dao ta có câu hài hước:
Nửa đêm: giờ Tí: canh ba,
Trổ sanh nam tử vậy mà con trai.