Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ
Cỏ đỏ trên mộ Chiêu Quân
Tỉnh Tuy Viễn ở Trung Hoa, bắc giáp Mông Cổ. Thị trấn tỉnh hội là Quy
Tuy. Cách 10 cây số về phía nam có mộ của Vương Chiêu Quân, người
cung phi tuyệt đẹp của Hán Nguyên đế, được tiếng là "trầm ngư"(*), một
trong "tứ đại mỹ nhân" ở cổ Trung Hoa.
Nơi đây có 3 tòa cổ miếu xây bằng đá và 4 tấm bia xoay mặt về hướng
nam. Đó là mộ của nàng Chiêu Quân ở giữa; hai bên là mộ của 2 nữ tỳ đã
cùng thác với nàng. Trên bia đá có khắc tên tuổi của ba người.
Mộ của Chiêu Quân đặt ở dưới ngôi miếu giữa. Trên mộ bia có khắc mấy
dòng chữ đã mờ vì thời gian "Vương Chiêu Quân chi mộ". Trên một tấm
bia chót to hơn, có ghi qua sự tích của nàng kỳ nữ Chiêu Quân.
Đây là cuộc đời của Chiêu Quân, vì lịnh vua, vì để làm một công việc hòa
bình cho đất nước trong lúc vận nước suy đồi nên đem tấm thân liễu yếu
đào tơ, vượt qua hai cửa ải Nhạn Môn và Đắc Thắng để sang cống Hồ.
Chiêu Quân tên là Vương Tường quê ở Tùy Quy là một cung phi của vua
Nguyên đế đời nhà Hán (48-53 trước D.L.). Lúc bấy giờ vua Hán có đến ba
ngàn mỹ nữ cung phi nên không thế nào biết mặt cả thảy được. Vua truyền
tên thị vệ Mao Diên Thọ bảo họa sĩ vẽ hình tất cả những cung phi để vua
ngắm và chọn làm hậu cung khi cần thiết.
Mao Diên Thọ được dịp "nước đục thả câu", ăn hối lộ của cung nhân. Hễ ai
đút tiền thì truyền thần mặt xinh tươi, đẹp đẽ để dâng lên nhà vua. Cung
nhân cũng nhờ đó mà hưởng được chút ơn mưa móc của quân vương, cho
cuộc đời tài sắc của mình đỡ tẻ lạnh. Chiêu Quân đẹp hơn các cung phi
khác nên không chịu đút lót tiền, lại còn xỉ vả nặng lời Diên Thọ. Do đó,
khi cầm lấy bức ảnh Chiêu Quân, hắn lấy viết chấm dưới mắt ảnh nàng một
chấm làm thành nốt ruồi. Rồi khi dâng tranh lên nhà vua, hắn lại xàm tấu
cho rằng Chiêu Quân tuy đẹp nhưng vì có nốt ruồi mà sách tướng gọi là
"thương phu trích lệ", đó là ruồi sát phu. Nhà vua nghe lời nên không đoái
hoài đến nàng.
Rợ Hung Nô bấy giờ đánh thắng nhà Hán. Chúa Hung Nô buộc Hán