Sóc phương ấy đôi đường diệu vợi,
Âm thư này nhắn gởi khôn thông,
Gối riêng nước mắt tuôn dòng,
Xiêm thêu áo vẽ lâu cùng mục tan.
Ba xuân tới tiếng nhàn nhắn gởi,
Xuân giục người bối rối như tơ.
Năm dây còn đón sờ sờ;
Buồn đà đứt ruột, gảy chưa rồi đàn.
Chàng thương thiếp còn hơn núi nặng,
Thiếp nhớ chàng tình chẳng kém thua.
Dệt đem bức gấm dâng vua,
Xét lòng dạ thiếp tha cho chồng về.
Ngâm xong, nàng Tô nước mắt đầm đìa. Nhà vua quá cảm động không dám
nhìn nàng, vội hạ chiếu cho Đậu Thao về ngay.
Mười bài thơ ấy được truyền tụng với bức gấm thêu, ai cũng nước nở khen
cho Tô là một bực kỳ tài. Trước họ gọi bức gấm thơ ấy là "Toàn Loa Đồ"
(Bức đồ hình tròn trôn ốc), sau lại cho tên không xứng với giá trị của tác
phẩm nên đổi là "Hồi Văn Cách" (Bài văn có tác dụng làm cho người đi
biên thú được trở về), nhưng cũng vẫn chưa thấy thỏa đáng. Cuối cùng, họ
lại đổi và thêm tên tác giả là "Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn".
Thông cảm mối tình sâu đậm của nàng Tô, cổ nhạc Việt Nam có người đã
dựa theo bài "Chức Cẩm Hồi Văn" mà sáng tác một bài hát điệu Nam Ai,
cũng nhan đề là "Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn". Lời lẽ lưu loát, ý tình nồng
nàn, nhưng không biết tác giả là ai. Bài như thế này:
Khi vâng chiếu chỉ ra đề cờ,
Từ chàng đi, thiếp bặt tin đợi chờ.
Hồng nhạn kêu thu sông Hớn bơ vơ.
Áo não nùng khiến dạ ngẩn ngơ.
Trách bấy ông Tơ gieo chi mối sầu như tóc tơ.
Nghĩ mấy lời từ hồi ban sơ.
Nhớ những khi thiếp nguyện trăm năm tam tùng thờ.
Chàng mần răng ý lẳng lơ.