Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ
Lá thắm đưa duyên
Triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước được tuyển
vào cung để làm cung nữ. Họ là những giai nhân bạc mạng, đi chẳng có về,
suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn tủi, sầu đau trong chốn thâm cung.
Nhà vua có cả tam cung, lục viện, hàng ngàn cung nữ phi tần toàn bực
diễm kiều, tài sắc cả. Mỗi đêm ngủ ở cung nào, nhà vua phải nhờ xe dê đưa
đến. Xe dừng trước cung nào thì nhà vua vào cung ấy. Có những nàng hằng
năm không được đoái hoài, đành chịu cảnh cô phòng giá lạnh.
Đời Đường (618-907), đời vua Hy Tông có nàng cung nữ tuyệt sắc tên Hàn
Thúy Tần sống cảnh lẻ loi buồn bực trong thâm cung, nên thường nhặt
những chiếc lá đỏ (hồng diệp) rồi đề thơ lên trên lá, thả xuống ngòi nước:
Nước chảy sao mà vội?
Cung sâu suốt buổi nhàn.
Ân cần nhờ lá thắm
Trôi tuốt đến nhân gian.
Nguyên văn:
Lưu thủy hà thái cấp
Cung trung tận nhật nhàn.
Ân cần tạ hồng diệp.
Hảo khứ đáo nhân gian.
Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm lũy. Lúc
bấy giờ có người môn khách của quan Tể Tướng Hàn Vinh tên Vưu Hựu
vốn kẻ phong lưu tài tử, thơ hay, chữ tốt, chỉ hiềm một nỗi vận chưa đạt
nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể Tướng họ Hàn. Đương thơ thẩn ngắm
dòng nước chảy, Hàn bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ mới vớt
lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng bẻ một
chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho
trôi trở vào cung.
Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương,