CÁC DI TÍCH XUNG QUANH HỘI
AN
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Mỹ Sơn nằm giữa một thung lũng lớn, chung quanh là những rặng núi cao
thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Hội An 50km
về phía Tây. Đây là khu Thánh địa của người Chăm theo Bà La Môn giáo,
được các triều đại Chămpa xây dựng từ thế kỷ IV kéo dài đến thế kỷ XIII.
Theo những dòng chữ trên tấm bia đá sớm nhất có niên đại thế kỷ thứ IV
ở Mỹ Sơn thì, vua Bhadresvara đã cho xây dựng ngôi đền để dâng cúng vua
thần Siva - Bhadresvara nhưng vì làm bằng gỗ nên đến thế kỷ VI bị hỏa
hoạn thiêu rụi. Đầu thế kỷ VII vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền
bằng gạch và đá. Liên tục từ đó đến thế kỷ XIII, hơn 70 đền tháp khác được
xây dựng và Mỹ Sơn trở thành Thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc
Chămpa. Những đền thờ chính đều thờ một bộ Linga - Yoni, biểu tượng thần
Siva - Vị thần bảo hộ cho các dòng vua Chămpa. Vua Bhadresvara, người có
công khai phá vùng Amaravati đồng thời cũng là vị thần, kết hợp với thần
Siva trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua - tổ tiên hoàng tộc.
Năm 1902, Henry Parmentier - học giả Pháp đã xác định được ở đây gần
như đại diện cho tất cả các nghệ thuật tháp Chămpa gồm các phong cách:
Mỹ Sơn, Hòa Lai, Đồng Dương, Bình Định... Phần lớn các tác phẩm điêu
khắc trên sa thạch có giá trị đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ đưa về trưng
bày ở Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng. Do bom đạn chiến tranh tàn
phá nên đến 1975 chỉ còn lại 20 tháp, nhưng cũng bị hư hại nhiều. Thánh địa
Mỹ Sơn được UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới cùng một
lần với Đô thị cổ Hội An (12.1999).