Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa
Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến kinh đô của
quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn
lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng
nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về
đây, hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc, làm hoàn chỉnh bức cảnh
thiên nhiên tuyệt vời, với sông núi hữu tình thơ mộng. Bởi vậy, nói đến Huế,
là nói những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài, miếu vũ lộng
lẫy; những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm mặc u tịch và
thắng tích thiên nhiên mà thợ trời khéo tạc...
Gần một thế kỷ rưỡi là kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế
chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo; từng là cái nôi của Phật giáo một thời,
bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ
hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng
hoang vu u tịch. Huế không những là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là
một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hoá sôi động - ở đó đạo
Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương,
nuôi dưỡng tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo.
Ngoài ra, lễ hội và âm nhạc ở vùng kinh sư này đã phát triển vô cùng
phong phú và mang đậm phong cách dân tộc. Các loại hình âm nhạc truyền
thống mang tính giải trí tiêu khiển vẫn đang được bảo tồn gần như nguyên
vẹn trong lòng thành phố Huế. Âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều
Nguyễn) được công nhận là kiệt tác di sản văn hóa Phi vật thể và Truyền
khẩu của nhân loại.
Huế ngày nay đã trở thành thành phố Festival, hai năm một lần thu hút
nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng, dân gian trên khắp thế giới hội tụ.