“Thật là một công việc kinh khủng!” tay bác sĩ nói. “Vì Chúa,
sao anh không kiếm một công việc khác đi?”
“Gì cơ? Và từ bỏ cả việc kinh doanh show diễn ư?”
Trong một chừng mực nào đó, tất cả chúng ta đều sống trong phủ
nhận, tự lừa dối bản thân về việc chúng ta là ai và chúng ta đang thực
sự làm gì. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy mặc dù 66% người Mỹ thừa
cân, nhưng hơn một nửa trong số họ không nghĩ như vậy; 93% lái xe
Mỹ chắc chắn rằng họ đạt trên mức trung bình; và thậm chí 94% giáo
viên của chúng ta – những người đang giảng dạy – tin rằng họ nằm
trong “top 50% trong lĩnh vực chuyên môn của mình”. Vậy là câu hỏi
không phải là liệu bạn có đang tự lừa dối bản thân hay không – mà là
lừa dối bao nhiêu và nó ảnh hưởng đến đời sống của bạn như thế nào.
Nếu, giống như gã đàn ông trong câu chuyện cười, bạn là nô lệ của sự
lừa dối của chính bạn và tin tưởng sai lạc rằng bạn đã ở đúng chỗ
mình muốn, điều đó có thể trì kéo sự phát triển cá nhân của bạn. Vì
vậy, hãy thách thức nhận thức của bản thân. Cố gắng nhìn cuộc đời
như thực tế – và rồi học cách chấp nhận nó… hoặc thay đổi nó.
Theo một báo cáo của CBS News, “Theo thang điểm 10, chắc hẳn bạn nghĩ
mình được 7 điểm. Và bạn không đơn độc.” Vấn đề (và tựa của bài báo) là:
“Mọi người đều nghĩ mình ở trên mức trung bình”. Các nghiên cứu về hiện
tượng này, được biết với tên gọi ảo tưởng cao hơn, đã dẫn các nhà tâm lý
học đến ba kết luận về việc tại sao nhiều người trong chúng ta lại tự lừa dối
bản thân.