Một sự kiện điển hình của tình trạng chiến tranh với mục đích cá nhân diễn
ra vào năm 1357. Ngài Oliver de Vannes, một hiệp sĩ quý tộc danh tiếng
người Anh, đã chiếm đóng các thị trấn Castelgard và La Roque, dọc theo
con sông Dordogne. Theo như sử sách ghi lại, vị “lãnh chúa vay mượn” này
đã trị vì với phẩm cách trung thực, và được người dân yêu mến. Vào tháng
Tư, lãnh địa của ngài Oliver đã bị xâm lược bởi một đội quân dữ tợn gồm
hai ngàn tên cướp vốn là hiệp sĩ biến chất dưới sự chỉ huy của Arnaut de
Cervole, một thầy tu bị rút phép thông công được biết đến với cái tên “Đại
Tư tế”. Sau khi thiêu rụi Castelgard, Cervole tiếp tục san bằng tu viện
Sainte-Mère ở gần đó, giết hại các thầy tu và phá hủy cối xay nước lừng
danh ở Dordogne. Cervole sau đó đã truy đuổi ngài Oliver đến pháo đài La
Roque, và một trận chiến khủng khiếp đã diễn ra ở đó.
Oliver cố thủ thành trì của ông với kỹ năng và lòng quả cảm của mình.
Những nghiên cứu đương thời cho rằng sự thành công mà Oliver có được là
nhờ vào cố vấn quân sự của ông, Edwardus de Johnes. Rất ít tư liệu nói đến
người đàn ông này. Một huyền thoại giống như phù thủy Merlin đã được
dựng lên xung quanh ông: người ta nói rằng ông có thể đã tan biến vào hư
không. Nhà chép sử Audreim cho rằng Johnes đến từ Oxford nhưng những
nghiên cứu khác lại nói ông là người Milan. Vì ông chu du với một nhóm
những tùy tùng trẻ tuổi, nên ông có nhiều khả năng là một chuyên gia đánh
thuê, làm việc cho bất kỳ ai sẵn sàng trả tiền công cho mình. Ông được đào
tạo để sử dụng thành thạo thuốc súng và pháo, những công nghệ mới vào
thời điểm đó…
Cuối cùng thì Oliver cũng đánh mất thành trì vững chắc của mình khi
một tên gián điệp mở một lối đi ở trong thành để lính của Đại Tư tế tràn vào.
Kiểu phản trắc như vậy là điển hình cho bối cảnh phức tạp của thời điểm đó.
Trích cuốn Cuộc chiến một trăm năm trong lòng nước Pháp
Tác giả M. D. Backes, 1996