không phổ biến như bây giờ. Hồ sơ nộp ứng tuyển phải kèm theo
học bạ ba năm cấp ba và thành tích năm thứ nhất đại học. Sau khi
được xét qua vòng hồ sơ, thí sinh sẽ thi hai vòng nữa là thi lý thuyết
và thi phỏng vấn ở Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội.
Biết đến học bổng cũng chỉ tình cờ, thời gian làm hồ sơ rất
ngắn, các thủ tục nộp hồ sơ và thi tuyển rất nhiều và phức tạp, tôi
nghĩ chỉ với ngần ấy cản trở thôi cũng khiến nhiều người bỏ cuộc
không dám đi thi thử. Hơn nữa, quanh tôi chưa ai từng nhận học bổng
này, nhiều thắc mắc không biết phải hỏi ai. Đối tượng thi là sinh
viên toàn quốc và chính phủ Nhật chỉ trao một vài suất học bổng
thôi nên tôi không mấy tự tin. Động lực thôi thúc tôi quyết phải thử
có lẽ là lòng yêu thích tiếng Nhật và con người Nhật. Thầy giáo dạy
tiếng Nhật cho tôi ở Đại học Ngoại thương là một giáo sư đã nghỉ hưu
về Việt Nam dạy tình nguyện. Tôi kính trọng sự cần mẫn và luôn
yêu thích tiết học tiếng Nhật của thầy. Tôi muốn được đến đất
nước nơi có những con người cần mẫn đáng kính như vậy. Vì thế,
thay vì ngồi mơ mộng và ước ao một ngày được đi nước ngoài, tôi
quyết định nắm lấy cơ hội trước mắt và làm thử. Tôi nói với bạn
bè cùng lớp đại học, thông báo với người thân xung quanh rằng tôi
sẽ đi thi học bổng du học Nhật. Tôi nhận được những ánh mắt nghi
ngại của nhiều người. Nhưng tôi chọn cách tự tạo áp lực cho chính
mình. Một khi nói ra cho nhiều người biết mà sau đó bị trượt hay
mãi không đi du học được thì tôi sẽ phải xấu hổ với người khác. Để
bản thân không xấu hổ chỉ còn cách thực hiện được những gì mình
nói mà thôi. Bằng cách đó, tôi khiến mình không còn đường lui
ngoài việc làm hết sức mình và hướng tới kỳ thi.
Tôi tin rằng, một khi chúng ta nghiêm túc muốn làm điều gì
đó, những sự tình cờ hằng ngày sẽ trở thành cơ hội thực sự. Cơ hội
và may mắn sẽ đến càng nhiều nếu hằng ngày chúng ta chăm