Quốc nói với tôi rằng, việc học tiếng Nhật của mình chỉ là học các
từ mới. Vì ngữ pháp và cách dùng từ của tiếng Hàn hoàn toàn giống
tiếng Nhật nên họ học không mấy vất vả. Sinh viên Singapore thì
chủ yếu là người Singapore gốc Hoa, vì thế họ có khả năng học và
nhớ Kanji (Chữ Hán trong tiếng Nhật) rất nhanh.
Còn sinh viên Việt Nam không có lợi thế về việc học tiếng Nhật
nhưng có nhiều lợi thế ở các môn khác. Vì kiến thức Toán, Lý,
Hóa bậc phổ thông của Việt Nam rất nhiều và khó so với các nước
khác, nên sinh viên Việt Nam hầu như không phải học các môn này
mà điểm thi vẫn cao. Bởi vậy, sinh viên Việt Nam muốn cạnh tranh
thì chủ yếu dành thời gian để cải thiện tiếng Nhật. Đối với ngành
xã hội khối kinh tế như của tôi, việc giỏi tiếng Nhật lại càng quan
trọng. Bởi trình độ tiếng Nhật không chỉ quyết định điểm thi môn
này mà còn ảnh hưởng đến kết quả của các môn có dạng nghị luận
như Kinh tế chính trị và Lịch sử. Tại phòng học chung của kí túc xá
trước những ngày thi, có thể thấy hình ảnh sinh viên Việt Nam cặm
cụi học tiếng Nhật, còn sinh viên Hàn Quốc, Mông Cổ thì cặm cụi
ngồi làm Toán. Các bạn sinh viên nước ngoài cũng hay hỏi sinh viên
Việt Nam các vấn đề trong môn Toán hay các môn tự nhiên khác.
Nói về việc học tiếng Nhật như bất kỳ một ngoại ngữ nào
khác: đầu tiên, theo tôi, học ngoại ngữ cần nhất vẫn là sự chăm
chỉ, vì ngoại ngữ là môn học cần nhiều sự bắt chước, luyện tập
hơn là sự sáng tạo và tư duy. Vì thế, không có một phương pháp
nào tối ưu hơn để học tiếng Nhật ngoài sự chăm chỉ.
Tuy nhiên, làm thế nào để thành tích cao hơn những người khác
khi mình cũng chăm chỉ và đối thủ của mình cũng chăm chỉ? Một
ngày chỉ có 24 tiếng, và chúng ta không thể cắt giảm giờ ngủ cho
việc học trong một thời gian dài để giỏi hơn người khác được. Theo
tôi, vấn đề ở đây thuộc về phương pháp. Tìm ra phương pháp học
có tác dụng với bản thân mình, tạo thói quen học tập cho bản thân là