4.
Tại cuộc hỏi cung, hai tên thám báo đã phải tự bộc lộ bản thân: binh nhất
Han-xơ Bát-lê và binh nhì Phơ-rít Hôi-dơ-ne. Tên thứ ba như Phơ-rít khai,
đã chạy trốn là trung úy Hen-rích Ghê-de-ri-ghen. Cả ba đều ở trong đội
thám báo thuộc quân đoàn bộ binh cơ giới số 41, cụm tập đoàn quân
“Phương Bắc” mà sư đoàn xe tăng của nó đang chiến đấu ở vùng cửa ngõ
thành phố Pơ-xcốp. Câu cuối này Mi-cla-sốp nghe và nghĩ rằng nó khoác
lác: chả lẽ chiến trận lại có thể lan nhanh như vậy, đến sát Pơ-xcốp rồi sao.
Anh nói thêm suy nghĩ của mình về lời khai đó.
-Cậu hãy dịch cho đúng từng câu từng chữ một.-người trung úy ban công
tác đặc biệt của sư đoàn cục cằn ngắt lời anh.-Ý kiến của cậu không được
lồng vào đây.
Anh Cả, chính ủy và trưởng ban tham mưu đều im lặng và đấy chính là
bằng chứng hùng hồn hơn những lời nói. Mi-cla-sốp liền hiểu rằng họ biết
rõ là chiến cuộc đang diễn ra gần Pơ-xcốp.
-Vài ba ngày nữa, quân đội nước Đức vĩ đại sẽ đến đây,-Tên Han-xơ
ngạo mạn nói vừa đưa cặp mắt đỏ ngầu nhìn những người có mặt trong
buổi thẩm vấn.-Nếu các ông muốn bảo toàn tính mệnh và giữ mối quan hệ
tốt với chính quyền chiếm đóng sau này, thì tôi có thể có vài lời khuyên
thiện chí với các ông…
Sau khi hỏi cung xong, mỗi tên bị nhốt riêng mỗi phòng có lính gác
nghiêm ngặt.
Trưa hôm sau, trung úy Kha-tren-cô gọi Mi-cla-sốp đến gặp.
-Cậu có thể hiệu chỉnh hỏa lực đại đội được không?
-Nếu cần thiết thì tự tôi cũng sẽ bắn được, đồng chí chỉ huy ạ.-Mi-cla-
sốp đáp nhưng không hiểu là trung đội trưởng có ý định gì.
Trung úy đứng dậy, ghé tai nói nhỏ với I-go:
-Tôi được đề bạt đại đội trưởng đại đội đặc biệt của trung đoàn bộ. Được
phép lấy một trung sĩ làm trinh sát. Cậu đi với mình chứ?