Tôi cứ nhớ mãi cái khoảnh khắc trong lần đầu tiên tôi tới Berlin, với tôi
Berlin là một thành phố xanh-sạch-đẹp và dường như chẳng bao giờ ngủ
vào ban đêm. Những ấn tượng của tôi về người Berlin trong lần đầu tiên ấy
không mấy thân thiện! Tôi sống ở một vùng quê yên ả, bình yên của miền
Tây Bắc Đức, khi ra ngoài đường, bất kể người lớn hay trẻ con, họ đều có
thói quen chào nhau “Hallo”
(xin chào)
hoặc nở một nụ cười, nhưng ở
Berlin đó là điều không thể. Khi tôi đem thắc mắc này ra hỏi thầy giáo tôi,
ông đã nhẹ nhàng giải thích cho tôi rằng: “Ở một thành phố với một lượng
người đông như thế, người ta không thể ‘Hallo’ suốt cả ngày được, thế nên
em đừng trách người Berlin”. Tôi tạm bằng lòng với lời giải thích như thế
dù trong lòng vẫn còn rất nhiều hoài nghi, để rồi rất lâu sau tôi mới biết
thầy đã đúng.
Bất cứ thủ đô nào trên thế giới đều mang một vẻ đẹp riêng tượng trưng
cho đất nước của mình và Berlin cũng vậy. Đến Berlin, bạn không thể
không ghé thăm cổng thành Brandenburg - biểu tượng của thành phố. Cổng
thành cao 26m, rộng 66,5m, trước đây từng là vạch phân chia ranh giới giữa
hai miền Đông và Tây Đức. Cổng Brandenburg được bắt đầu xây dựng từ
năm 1788 và mãi đến năm 1791 mới được hoàn thành. Vua Friedrich
Wilhelm II là người đã cho xây chiếc cổng này như biểu tượng của hòa
bình. Hầu như bất cứ du khách nào đến Berlin cũng đều phải ghé qua cổng
thành này.
Tôi không phải là người say mê lịch sử, nhưng khi đến Berlin tôi đã dành
thời gian ghé thăm gần hết các viện bảo tàng - nơi ghi dấu những gì còn sót
lại của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhiều người bạn Việt Nam từng
hỏi tôi: “Lịch sử nước Đức có gì thú vị?”. Tôi chỉ cười. Thật khó giải thích
điều đó bởi hầu như bất cứ ai khi nghĩ về lịch sử Đức cũng gắn liền với hai
chữ “Hitler”. Người dân Đức không bác bỏ điều này, thế hệ trẻ của Đức
ngày hôm nay vẫn phải hứng chịu những cái nhìn soi mói khi học về lịch sử
nước nhà. Còn tôi, tôi học để biết và cũng để hiểu rằng những gì đã đi vào
lịch sử thì cũng nên biết đến một lần.