Bảng khiến cả thân hình anh ta bật ngửa ra, rơi xuống đài. Trọng tài Trương
Đức Thuận vội bước đến nắm tay trái của Quách Triệu Dũng đưa lên cao
tuyên bố:
- Trận mở màn, võ sĩ thiết quyền của võ đường Tư Luông - An Thái đã
thắng. Mời võ sĩ về chỗ ngồi chuẩn bị cho vòng sau vào ngày mai.
Tiếng hoan hô vang dội cả đấu trường. Có tiếng la lớn của đốc trưng Đằng
ở bên phải võ đài:
- Thiết quyền Quách Triệu Dũng - An Thái vô địch!!!
Người xướng ngôn trở lại võ đài giới thiệu tiếp:
- Trận tranh tài thứ hai là cuộc đọ sức giữa cây thiết phiến và tề mi côn. Xin
mời Thiết Phiến Công Tử Lý Vân Long ở Quy Nhơn và Tào Sơn Trương
Bàng Châu ở Duy Xuyên, Quảng Nam lên võ đài.
Từ hàng ghế dành cho các đấu thủ ở bên phải, một bóng người tung mình
lên cao rồi đáp xuống võ đài, tay phe phẩy chiếc quạt phất một loại vải rất
đặc biệt có nan bằng thép dài chừng thước rưỡi (6 tấc). Phong thái và tướng
mạo chàng ta quả đúng là một phong lưu mỹ công tử với vẻ ngạo mạn
khinh đời. Tiếp sau đó là một bóng người khác từ hàng ghế bên trái tung
mình đáp xuống sàn đấu, thân pháp và phong thái của người này trông
thanh nhã và lễ độ đúng tác phong của một võ học danh gia. Trương Bàng
Châu khoảng chừng ba mươi tuổi, tạng người vừa phải, tay cầm một chiếc
tề mi côn (loại côn dài vừa đúng tầm mi mắt của người sử dụng) khoan thai
cúi chào quan khách và khán giả rồi ôm quyền chào Vân Long. Thiết Phiến
Công Tử cũng cúi chào quan khách, nháy mắt với Đại Hồng rồi quay chào
khán giả. Hắn dừng lại nơi khuôn mặt của Bàng Châu, lạnh lùng lên tiếng:
- Đao kiếm vô tình, nếu chẳng may xâm phạm xin thứ lỗi.
Bàng Châu mỉm cười đáp:
- Không sao. Xin công tử nương tay.
Lý Vân Long từ nhỏ đã được Cao Đường mướn võ sư về dạy. Năm mười
bốn tuổi hắn theo học một vị võ sư người Minh Hương mới sang định cư ở
Nước Mặn. Chiếc thiết phiến của hắn là vũ khí độc môn mà sư phụ Thiết
Phiến Tử truyền lại. Thiết Phiến Tử vốn là đệ tử của Thanh Thành phái bên
Tàu, bị sư môn đuổi giết vì hành động rất tà ác nên phải chạy sang Đại Việt