xem.
Bàn định xong đâu đó, họ kéo quân đến La Bích bày trận thế và chờ đại
quân của Phúc Hương đến. Dàn trận xong Trần Lâm giảng giải:
- Bát trận đồ được Gia Cát Khổng Minh căn cứ theo bát quái (8 quẻ): Càn,
Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoài mà bày thành tám trận chính:
Thiên phúc, Địa tải, Long phi, Xà bàn, Hổ dực, Điểu tường, Phong tán,
Vân thùy; được án theo tám cửa: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh,
Khai. Trong đó ba cửa sinh gồm: Sinh, Cảnh, Khai và năm cửa tử gồm:
Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Kinh. Nếu không hiểu trận pháp mà đi lầm vào cửa
tử thì không thể nào ra được. Trận cháu đang dùng đây thực ra là của Trạng
Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông đã dựa vào trận Bát quái của Khổng Minh
mà lập ra. Nay cháu chỉnh sửa lại chút ít để lập thành một tiểu trận gồm
tám trăm tám mươi người. Dùng kỵ binh, bộ binh, quân cung nỏ và chiến
xa nhưng vì đây là trận nhỏ nên thay chiến xa bằng quân thiết kỵ. Sự biến
hóa của tiểu trận Bát quái dựa trên sự phân chia thành dọc ngang sáu mươi
tư đơn vị chiến đấu, hợp thành một đại phương trận (trận vuông lớn), trong
đại phương trận lại phân thành nhiều tiểu phương trận tựa lưng vào nhau
tác chiến, đại trận bọc tiểu trận, đại doanh bọc tiểu doanh. Khi địch quân
rơi vào trận, trận thế có thể biến từ phương trận vuông thành viên trận tròn
bao bọc lấy quân địch, đầu đuôi tiếp ứng lẫn nhau như rắn Thường Sơn có
hai đầu, cho nên trận này còn gọi là Thường Sơn trận.
Đinh Hồng Liệt nghe xong giật mình nói:
- Gia Cát Võ Hầu quả thật là “vạn đại quân sư” nên mới nghĩ ra được trận
Bát quái kỳ bí như vậy. Trạng Trình từ lý thuyết đó mà biên chế lại cũng
thật là thiên tài. Cháu nay chỉ đọc sách mà bày được thành trận thế, lại biết
biên giảm tùy nghi thì cũng đáng mặt kỳ tài trong thiên hạ, ta thật khâm
phục lắm.
- Hãy chờ xem uy lực của nó như thế nào đã, bây giờ nhận xét e còn hơi
sớm.