Củ cà rốt và cây gậy
Một bài học mà nhiều người Trung Quốc có được từ cuộc khủng hoảng
1995-1996 và 1999 là việc sử dụng riêng chỉ vũ lực chống lại Đài Loan sẽ
thất bại. Vũ lực có thể có tác dụng ngược bởi làm cho người Đài Loan xa
lánh Đại lục, khiến họ trở nên phụ thuộc hơn vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ, và
tiếp thêm sức mạnh cho liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ngăn
chặn Đài Loan tiến tới độc lập và đưa Đài Loan quay trở lại quỹ đạo cần có
củ cà rốt - những khuyến khích, động viên tích cực - cũng như cả cây gậy.
“Rõ ràng áp lực quân sự không hiệu quả, vì vậy chúng ta cần thử những
cách khác,” theo lời một cố vấn chính sách.
Giang Trạch Dân đã đạt được một sự đồng thuận trong giới lãnh đạo phía
sau chính sách song trùng: củng cố sức mạnh quân sự, đồng thời vươn bàn
tay hữu nghị sang đồng bào Đài Loan, theo cách gọi của người Đại lục. Sử
dụng cái Đảng Cộng sản gọi là “chiến thuật mặt trận thống nhất” để xây
dựng sự ủng hộ rộng rãi tại Đài Loan, làm cho người dân Đài Loan tin cậy
chính phủ Trung Quốc, và gây áp lực lên các chính trị gia chủ trương độc
lập. Một lợi ích nữa là Washington sẽ hoan nghênh lập trường chính trị của
Bắc Kinh và đổ lỗi gây ra sự căng thẳng trên eo biển cho các phần tử “gây
rối” ở Đài Loan. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vẫn tiếp tục cách tiếp cận song trùng
này và đã mở rộng nó để xây dựng quan hệ với các đảng đối lập, với hy
vọng rằng khi nhiệm kỳ thứ hai của Trần Thủy Biển kết thúc năm 2008, tổng
thống mới sẽ được bầu từ một trong các đảng khác.
Tuy nhiên, chính trị trong nước đã hạn chế sự linh hoạt và khả năng điều
tiết của các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể có về phía Đài Loan. Trái với
chính sách ngoại giao thực dụng với các nước khác, cách tiếp cận của Trung
Quốc đối với Đài Loan bị tác động nhiều bởi các vấn đề nguyên tắc có tính
biểu tượng vốn vang động trong nền chính trị nội bộ.