Không phô trương sức mạnh quân sự Hoa Kỳ
Trong khi cần chứng tỏ khả năng phản ứng nhanh chóng với các cuộc
phiêu lưu quân sự, chúng ta cũng cần thận trọng tránh các hành động khiêu
chiến. Sức mạnh thầm lặng là cách tốt nhất để một siêu cường hiện tại ứng
phó với một cường quốc đang lên. Chúng ta nên càng ít nói về sức mạnh của
mình càng tốt, tránh gây ra phản ứng tiêu cực từ phía cường quốc kia.
Trong khu vực sân sau của Trung Quốc, Hoa Kỳ là cường quốc quân sự
mạnh nhất. Khi Trung Quốc mạnh lên, tình huống không bình thường này sẽ
tạo ra tâm lý lo ngại ngày càng tăng trong người Trung Quốc, đặc biệt từ
giới quân đội. Cho đến nay, lãnh đạo Trung Quốc chưa đưa ra một phiên bản
Học thuyết Monroe cho châu Á - như tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ
James Monroe năm 1823 rằng các cường quốc bên ngoài từ châu Âu không
được hoan nghênh ở Bắc và Nam Mỹ. Thực tế, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm
Đào đều đã nói riêng với Tổng thống Bush rằng họ không có ý định cố đẩy
Hoa Kỳ ra khỏi châu Á. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc sẽ khó có thể duy
trì thái độ hòa hoãn với sự hiện diện của Hoa Kỳ, nếu như chúng ta phô
trương sức mạnh quân sự làm dấy lên phản ứng thù địch từ phía công chúng
và quân đội Trung Quốc.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ở Honolulu, cơ quan đã rất
thành công trong việc tổ chức các hoạt động hợp tác quân sự với Trung
Quốc và các nước châu Á khác, nên tăng cường phối hợp hơn nữa với Quân
Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Truyền hình và báo ảnh về các cuộc tập
trận chung giữa hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ làm giảm bớt đáng kể sự
phản đối hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực xung quanh Trung
Quốc. Chúng ta có thể khuyến khích các lực lượng hải quân Đông Nam Á
mời chiến hạm Hoa Kỳ và Trung Quốc tham gia tuần tra chung nhằm bảo vệ
eo biển Malacca và các vị trí huyết mạch trên các tuyến hàng hải khỏi nguy
cơ hải tặc và khủng bố. Bên cạnh việc duy trì sự hiện diện quân sự hùng