hàng năm.
Thực vậy, khi mới đặt chân tới đây, nàng đã hỏi thăm nhà người quen làm
nghề chài lưới. Nàng được người bà con dành cho căn phòng rộng rãi,
thoáng khí, tràn ngập nắng mai và hướng về biển rộng. Như một cô chim
mái xoắn xít dệt tổ ấm nuôi con, nàng thiếu phụ mau mắn trang trí căn
phòng thật xinh xắn, ấm cúng với những chiếc màn gió đầy hoa tươi thắm,
với chiếc giường trải khăn trắng êm, với chiếc bàn xếp đặt sách vở gọn
gàng đẹp mắt.
Cuộc sống của nàng nơi đây đã quen thuộc, thích thú, thanh thoát. Nàng đã
hoà mình nhanh chóng giữa những người dân hồn nhiên đầy thân tình.
Hàng ngày nàng đi dạo, hoặc dắt con đi chơi trên bãi cát và dưới những tàn
cây rũ bóng mát. Hai mẹ con nàng đã dạn dĩ với nắng biển, với những làn
gió mịt mù bụi nước, với muôn tiếng sóng gào thét tự ngoài xa, và với
nhiều nắng biển chờn vờn da thịt ửng hồng.
Rồi những buổi chiều khi nước thủy triều rút xuống, nàng ngồi trên bãi cát
nhìn đứa con bé bỏng, ốm yếu chạy theo chúng bạn ra thật xa đuổi bắt còng
còng, mò tôm cá trong những vũng nước đọng, hoặc ngồi xuống múc cát
ướt xây lâu đài cổ kính; có lúc nàng chạy ra xem con đùa giỡn, mỉm cười
và nhắn nhủ con đừng nghịch bẩn. Cho tới lúc trời xẩm tối và gió thổi
mạnh, nàng tới choàng áo cho con và dắt con về ngủ. Về tới nhà, nàng tắm
rửa cho con, thay quần áo, dọn cơm, kể chuyện và khi đứa con thiếp ngủ
trong lòng rồi, nàng âu yếm đặt con xuống giường, hôn nhẹ lên mái tóc.
Còn lại mình nàng đơn chiếc trong căn nhà yên tĩnh và mặc cho gió biển
lùa vào thổi mạnh dồn dập, nàng ngồi trước bàn đọc sách hoặc cầm bút viết
nhật ký hàng giờ, không biết mỏi mệt. Nàng thả hồn say đắm, tuôn trào
những tư tưởng thầm lặng, những sợ hãi, những hy vọng, những yêu
thương ngập tràn tâm hồn trên những trang giấy trắng tinh.
Nếp sống của hai mẹ con thiếu phụ Ngọc Hạnh tại làng quê Thanh Hải là
thế đó. Những người dân ngư phủ ở đây chưa hiểu biết số phận của hai mẹ
con nàng ra sao cả, và họ cũng chẳng mong muốn gì hơn là cần mẫn làm
việc. Những người dân chất phác này họ lam lũ hơn là tò mò. Đàng khác,